Vết thương hở mau lành nhờ chiếu tia lạnh Plasma
Tại Việt Nam, tác dụng của tia Plasma lạnh được nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng thử nghiệm lâm sàng trên 36 bệnh nhân tại 3 bệnh viện lớn (Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP HCM) từ giữa năm 2015 đến tháng 5/2016.
Kết quả cho thấy, tia Plasma lạnh có tác dụng diệt khuẩn và hỗ trợ làm lành vết thương hở (vết cắt phẫu thuật, bỏng, viêm da...). Plasma lạnh giúp người bệnh giảm thời gian điều trị và chi phí 8-10 lần so với phương pháp ghép da, phẫu thuật, hút áp lực âm… Trung bình mỗi lần chiếu hết 30.000 đồng mỗi phút, thực hiện hàng ngày hoặc 2 ngày một lần, tùy mức độ nghiêm trọng của vết thương. Một số trường hợp phức tạp, bệnh nhân viêm xương gót chân và kháng mọi loại kháng sinh, đã hết nhiễm trùng sau 6 lần chiếu. Bác sĩ chưa quan sát thấy tác dụng phụ và biến chứng sau khi chiếu tia.
Thiết bị chiếu tia Plasma lạnh được nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng giới thiệu vào ngày 13/7 tại Hà Nội. |
Tiến sĩ Tùng chia sẻ, Plasma là một trong 4 trạng thái của vật chất, bên cạnh dạng rắn, lỏng và khí. Nhóm nghiên cứu sử dụng nguyên lý hồ quang trượt để ion hóa khí Agon thành plasma, tạo ra các gốc tự do, electron, ion và tia cực tím đều có khả năng diệt khuẩn.
Tác động tổng hợp của chúng khiến cho plasma diệt khuẩn nhanh, phổ rộng, có tác dụng cả với vi khuẩn kháng kháng sinh. Ngoài ra, Plasma còn tác động vào không khí và dịch vết thương tạo nitơ oxít (NO) có tác dụng giảm viêm, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ tái tạo collagen, giúp cho quá trình liền thương nhanh hơn.
Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng, Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. |
Ứng dụng thực tế của Plasma lạnh và thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan, là nguyên nhân khiến nhóm quyết định đầu tư nghiên cứu vào y sinh. Công nghệ này được Tiến sĩ Tùng nghiên cứu từ năm 2003 khi du học Đức.
Trở về nước năm 2011, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng bỏ nhiều công sức chế tạo máy chiếu tia Plasma lạnh phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Từ việc mày mò các bo mạch điện tử, thử nghiệm đến chạy khắp nơi thuyết phục các bác sĩ ứng dụng vào thực tế, nhóm đã làm chủ công nghệ sản xuất máy PlasmaMed dễ sử dụng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thiết bị y tế, Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền. Thiết bị được điều khiển ở hai chế độ liên tục và xung thông qua màn hình cảm ứng thân thiện.
Tiến sĩ Tùng cho biết, hiện mới có 4 thiết bị Plasma lạnh của Đức và Israel đạt chứng chỉ CE của châu Âu. Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc cũng bắt đầu đưa Plasma lạnh vào y học. Nhóm đang tiến hành làm thủ tục để Việt Nam là nước tiếp theo có thiết bị Plasma lạnh được châu Âu công nhận.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận