Toàn cảnh Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về vấn đề chất vấn
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 04/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ nhất, đồng thời tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 – lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn một cách mạch lạc, khiến các đại biểu rất yên tâm về các vấn đề đã và đang đặt ra trong kỳ họp này.
- Bộ TT&TT ban hành khung tiêu chí xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: An toàn thông tin là trách nhiệm của mỗi cơ quan
- Bộ trưởng Bộ TT&TT trả lời Quốc hội về xử lý SIM rác, lừa đảo qua điện thoại
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Nội dung Nhóm vấn đề thứ 2 bao gồm: (1) Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; (2) Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; (3) Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất quyết liệt loại 22 triệu sim không đầy đủ, việc này tiến hành làm trong gần 3 năm. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể xem xét trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông. Bộ nhận trách nhiệm về vấn đề này và tiếp tục có những giải pháp để làm tốt hơn.
Về dữ liệu dân cư, khi bỏ hộ khẩu giấy thì cần sự kết nối nhiều hơn. Do đó, khi chúng ta tiến hành công tác này thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để vận hành tốt các sơ sở dự liệu; đảm bảo thuận tiện cho người dân…
Trả lời đại biểu Dương Minh Ánh về đội ngũ công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước của ta là 0,9%. Đây là con số đáng suy nghĩ, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bởi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%.
Còn ở Việt Nam chỉ là 0,9%. Đây là con số cần suy nghĩ nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia bởi cần phải coi lực lượng khoa học công nghệ số là lực lượng sản xuất. Về giữ chân nhân lực đòi hỏi cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho biết trong tổng thể chung không thể đòi hỏi có cơ chế ưu đãi cho nhân lực riêng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo AI để đỡ 1 phần công việc của cán bộ thông tin từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận. Do đó cần đầu tư vào nền tảng.
Đồng thời, cần tăng cường thuê, đặt hàng bên ngoài, người làm công nghệ thông tin trong nhà nước sẽ làm công việc đặt hàng...
Tháo gỡ vướng mắc về đầu tư công nghệ thông tin Liên quan đến đầu tư công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết, rất nên đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nhất là đầu tư dành cho miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vung xa.
Theo Bộ trưởng, các định mức đã được Bộ ban hành nhiều, tương đối đầy đủ. Tuy nhiên khi vận hành vào bối cảnh cụ thể thì vẫn còn có những khó khăn. Bộ Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông mong muốn các địa phương gặp khó khăn về định mức thì cần phải hồi ngay với Bộ để có những tháo gỡ phù hợp nhất; đồng thời Bộ sẽ tiến hành sửa các Nghị định, Thông tư để làm tốt công tác này.
Về vấn đề cát cứ dữ liệu công của các cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Chính phủ sẽ quyết định việc sử dụng, chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, về tâm lý, cũng có tình trạng sau khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu, nhưng chưa yên tâm về độ chính xác, nên còn đắn đo, cân nhắc trong việc mang ra sử dụng.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu rất lớn, nhưng cho nhiều cơ quan nối vào thì sẽ nảy sinh e ngại những sự cố công nghệ kỹ thuật khi đấu nối vào những cơ sở dữ liệu không đảm bảo an toàn. Tám cơ sở dữ liệu đã kết nối, đã chia sẻ hiện đang hoạt động hiệu quả, đây là những kinh nghiệm ban đầu trong việc triển khai công tác kết nối các cơ sở dữ liệu. Thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất cơ quan cầm nhịp, làm nhạc trưởng cho việc kết nối, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trả lời chất vấn của đại biểu về đào tạo nhân lực thông tin và chuyển đổi số trong đó có hạ tầng cho ngành giáo dục, Bộ trưởng cho biết, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin cho bà con vùng sâu vùng xa có thể theo dõi tin tức, học tập đã đáp ứng được. Hiện nay cáp quang đã được đưa đến 93% thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỷ lệ cao như vậy; giá cả cũng nằm trong tốp 20 trên thế giới, tương đối thấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đáp ứng được, đáp ứng tốt và giá thì rẻ hơn nước ngoài. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Do đó, cần đặt ra nhiều bài toán để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh hơn nữa…
Trả lời câu hỏi về chậm đấu giá tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đấu giá là theo Nghị định 88 để thực hiện các tiến trình đấu giá tần số cho 4G và sắp tới sẽ là tần số 5G. Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai đấu giá tần số. Tuy nhiên với việc đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để sớm tổ chức đấu giá và dự kiến là đầu năm 2023.
Trả lời câu hỏi về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu cả người lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 ngàn người. Bộ trưởng cho rằng giải pháp ở đây là đại học số. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.
Đại biểu đăng ký chất vấn và nêu câu hỏi đối với Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về chương trình máy tính cho em, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình 1 triệu máy tính cho em thì có 600 nghìn máy tính bảng cho em là nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay là 500 nghìn máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa. Chúng ta cũng đã tổ chức đánh giá hiệu quả của các máy tính đưa đến các em. Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thời điểm đưa chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn COVID-19.
Về vấn đề sóng vùng lõm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch trong đến hết năm nay hoặc đến Quý 1/2023 để giải quyết. Tuy nhiên để phát hiện những điểm lõm về sóng phải do chính quyền địa phương báo cáo về Bộ từ đó Bộ tổng hợp và chỉ đạo thực hiện và hiện nay có Quỹ để phủ sóng vùng lõm.
Phát biểu tại phiên chất vấn, thay mặt toàn ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để giúp cho toàn ngành có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt, hôm nay được phép trực tiếp lắng nghe, trao đổi với các vị đại biểu Quốc hội về ba nhóm vấn đề lớn của ngành.
Một là việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Hai là việc tiếp nhận, tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ba là việc quản lý các thuê bao đầu số của nhà mạng công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử. Việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân. ..
Theo Bộ trưởng, đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, toàn dân và toàn diện mà gọi là chuyển đổi số. Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số; Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức sâu sắc vấn đề này nên đã có nhiều cố gắng trong những năm qua. Tuy nhiên, có những việc đã làm được nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nhức nhối của xã hội, những vấn đề mới phát sinh; đồng thời luôn coi những tồn tại này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển.
Các vấn đề các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành, về vấn đề, những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới để tất cả chúng ta chung tay làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển bền vững, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ sẽ lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội, trả lời một cách có trách nhiệm nhất, hết khả năng của mình với tinh thần hết sức nghiêm túc và cầu thị. Có những vấn đề quản thiếu thông tin, thiếu hiểu biết thì xin phép Quốc hội được trả lời thêm bằng văn bản; có những vấn đề lớn, phức tạp, không thể trả lời ngay sẽ báo cáo chuyên đề với Quốc hội nhằm giải quyết triệt để hơn vấn đề đã được nêu ra vì rất có thể có vấn đề cần đến thẩm quyền của Quốc hội mới giải quyết được.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận