Chuyển đổi số - Nên hiểu như thế nào cho đúng
Chuyển đổi số phản ánh tầm nhìn, chiến lược, giải pháp và nhiệm vụ để sáng tạo, phát triển công nghệ kỹ thuật số đột phá, từ đó thúc đẩy sự phát triển về kinh tế và xã hội của đất nước hướng đến sự ổn định, thịnh vượng và bền vững.
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- AirEngine Wi-Fi 6 - Nền tảng mới cho công cuộc chuyển đổi số
- 76% doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, tốc độ phát triển của công nghệ kỹ thuật số tiếp tục làm mờ ranh giới của thế giới vật lý và kỹ thuật số. Chuyển đổi số (Digital transformation) đang thay đổi cách Chính phủ, doanh nghiệp và người dân tương tác với nhau.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Điều này đặt ra vấn đề đó là các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân sẽ phải thích ứng với thực tế mới này, trong đó các công nghệ kỹ thuật số sẽ gắn liền với các hoạt động hàng ngày.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số là một khái niệm mới, chưa được chuẩn hoá. Có nhiều định nghĩa và cách hiểu khách nhau.
Theo Gartner – công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.
Còn TechTarget – công ty hàng đầu tại Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ tiếp thị dựa trên dữ liệu đưa cho rằng: Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi trong đó công nghệ kỹ thuật số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Tuy nhiên có thể hiểu đơn giản “chuyển đổi số”, là thay đổi tư duy, cách tiếp cận và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động một cách hiệu quả, tiện lợi và mang tính đột phá hơn so với mô hình cũ.
Phân biệt chuyển đổi số với số hóa
Có không ít người nhầm lẫn hai khái niệm “chuyển đổi số” và “số hóa”. Vậy làm cách nào để phân biệt được hai định nghĩa này?
Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, ví dụ như việc thay vì quản lý hồ sơ nhân viên bằng file cứng thì nay bộ phận nhân sự các doanh nghiệp đã có thể nhập liệu lên file excel và quản lý trên đó.
Còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Có thể hiểu chuyển đổi số cấp độ cao hơn một bậc, giống như một pha hoàn thiện của số hóa.
Ví dụ Google chỉ một trong rất nhiều công ty trên toàn cầu thành công trong việc không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn tăng lợi nhuận nhờ chuyển đổi số.
Lúc đầu Google không có mô hình kinh doanh cụ thể, hoạt động không lợi nhuận, kiếm được chút lợi nhuận nhờ bán công cụ tìm kiếm. Nhưng từ năm 2003, công ty tung ra AdWords cho phép các doanh nghiệp mua quảng cáo khi mọi người tìm kiếm trên Google.com. Tiếp theo, năm 2008, Google tạo được doanh thu 21 tỷ USD chỉ từ quảng cáo.
Lấy một ví dụ cụ thể hơn, một đứa trẻ sinh ratại Estonia trước đây sẽ phải đăng ký thông tin với 5 cơ quan khác nhau. Các cơ quan này gồm bệnh viện, bảo hiểm xã hội, số đăng ký công dân, trường học và cập nhật thông tin bố mẹ.Sau khi ‘Chuyển đổi số’, bố mẹ của đứa trẻ chỉ cần cung cấp thông tin một lần, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải chia sẻ thông tin đó cho nhau để phục vụ người dân được toàn diện nhất.
FPT xác định chuyển đổi số sẽ giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu. Ảnh: FPT
Lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp là gì?
Quá trình ‘Chuyển đổi số’ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác của xã hội bao gồm cả nghệ thuật, khoa học, truyền thông đại chúng, chính phủ và giáo dục.
‘Chuyển đổi số’ đang tạo ra những cơ hội nhanh hơn mỗi ngày. Tất cả các doanh nghiệp trong mọi ngành cần sử dụng những tiến bộ công nghệ không chỉ để cạnh tranh mà còn để tồn tại bền vững mãi trong tương lai.
Sức mạnh và tiềm năng của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số giúp cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân kết nối và tương tác với nhau hiệu quả hơn. Để thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số” điều cần thiết là phải thúc đẩy việc áp dụng, nâng cao kỹ năng, hiểu biết công nghệ kỹ thuật số cho người dân và thúc đẩy sự sáng tạo trong Chính phủ, doanh nghiệp sẽ làm cho quốc gia thực hiện tiến trình ‘Chuyển đổi số’ nhanh và hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Cụ thể như sau:
Xóa nhòa khoảng cách giữa các phòng ban trong doanh nghiệp
Thực tế ở các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số, hầu như không có sự liên kết thông tin giữa các phòng ban với nhau, phòng ban nào làm việc của phòng ban đó bởi mỗi bộ phận sử dụng một phần mềm riêng lẻ.
Chính điều này đã khiến cho công việc thường xuyên bị tắc nghẽn không rõ nguyên nhân, kéo theo hàng loạt các tác động xấu đến doanh nghiệp như: phục vụ khách hàng chậm hơn, bán được ít hàng hơn, doanh thu đi xuống,….
Khi áp dụng chuyển đổi số, có nghĩa là doanh nghiệp đã tạo ra một nền tảng kết nối được tất cả các phòng ban nội bộ lại với nhau. Mỗi phòng ban vẫn có công cụ để phục vụ nghiệp vụ chuyên môn mà vẫn có thể giao tiếp với bộ phận khác.
Thông qua các kết nối này, các vấn đề được nhận dạng, phòng ngừa trước khi xẩy ra và sẽ được xử lý nhanh chóng khi các chức năng có thể thấy và phối hợp cùng nhau.
Tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp
Thay vì phải ngồi chờ nhân viên gửi báo cáo qua đường email hoặc báo cáo bản cứng, các nhà quản lý hoàn toàn có thể chủ động xem các loại báo cáo mà mình muốn bất cứ lúc nào. Đây là lợi ích vô cùng to lớn do chuyển đổi số mang lại.
Mọi hoạt động của công ty từ việc có khách hàng tìm hiểu sản phẩm, nhân viên kinh doanh bán hàng, kế toán ghi nhận doanh số hay biến động nhân sự ở các bộ phận như thế nào đều được thể hiện trên các công cụ số, mà cụ thể ở đây là các phần mềm quản trị doanh nghiệp.
Nhà quản lý dễ dàng truy xuất báo cáo về mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Không chậm trễ và cũng không có “vùng tối” sẽ giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn so với thời kỳ trước đó.
Tối ưu hóa năng suất nhân viên
Sự phát triển của kỷ nguyên số là cơ hội có thể tạo nhiều việc làm mới hơn, thu nhập cao hơn với điều kiện người lao động cần trang bị thêm những kỹ năng và kiến thức cần thiết thông qua những chương trình và chiến lược đào tạo của Chính phủ và doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyển đổi số sẽ làm tăng năng suất lao động trong năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Quyết định thuê nhân viên vào làm việc, doanh nghiệp nào cũng muốn khai thác được tối đa năng lực của họ trong công việc, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện điều này.
Thứ nhất, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không cần tốn chi phí trả lương cho nhân viên thực hiện.
Thứ hai, vì vậy mà nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các công việc có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp nhà quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của nhân viên thay vì quan điểm lỗi thời chú trọng đến thời gian đầu vào như trước đây.
Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh
Các công nghệ kỹ thuật số đang thay đổi môi trường mà các công ty cạnh tranh, thương mại và đầu tư. Sự mở cửa của thị trường cho phép số hóa phát triển mạnh mẽ bằng cách tạo ra một môi trường thân thiện với doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cạnh tranh bình đẳng và không bị hạn chế quá mức hoặc điều kiện nặng nề.
Sự mở cửa thị trường cũng thúc đẩy cạnh tranh và giúp các doanh nghiệp, trong và ngoài nước, gặt hái những lợi ích của thương mại và đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp nào sở hữu các công ngệ kỹ thuật số thì có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả , chính xác và chất lượng hơn. Các giải pháp quản trị và vận hành số hóa gia tăng hiệu quả từ 30-40 % cho tới 100 %. Để so sánh tác động của doanh nghiệp chuyển đổi số và truyền thống có lẽ giống như cuộc chiến của người khổng lồ và kẻ tí hon vậy.
Chuyển đổi số giúp kết nối số lượng lớn các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu. Doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh còn thể hiện ở việc tương tác nhanh chóng với khách hàng, chăm sóc cá nhân hóa khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn,…
Trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo mà vẫn chọn phương thức kinh doanh truyền thống sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường.
Đặc biệt, trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu doanh nghiệp không thích ứng nhanh và tận dụng lợi thế tốt thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu và khó có thể tồn tại.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đang hoàn thiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2020; trong đó bao gồm kế hoạch, giải pháp và lộ trình chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt, năm 2020 đã được Bộ TT&TT tuyên bố là năm chuyển đổi số quốc gia, để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, xã hội số. Hiện nay, các yếu tố nền tảng trong chuyển đổi số là: thể chế, hạ tầng, an ninh mạng và đào tạo sẽ được ưu tiên đầu tư để đưa Việt Nam trở thành nước có thứ hạng cao trên thế giới, nằm trong nhóm 50 quốc gia vào năm 2025 và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT vào năm 2030. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận