Chủ tịch Chu Ngọc Anh giải toả 'ách tắc' về Giấy đi đường cho người dân Thủ đô
Để tránh lúng túng trong áp dụng Chỉ thị 18, Chủ tịch UBND thành phố đã làm rõ yêu cầu của giấy tờ khi tham gia giao thông sẽ chỉ bao gồm Giấy đi đường theo mẫu và giấy tờ tuỳ thân mà không có các giấy tờ khác theo quyết định siết chặt đã được ban hành vào đêm chủ nhật.
Ngày 10/8, UBND thành phố Hà Nội có thông báo số 577/TB-UBND về việc triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 2562/UBND-KT ngày 7/8 do có tình trạng một số nội dung tại văn bản chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Sau quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã không còn cảnh xếp hàng dài người dân chờ lấy dấu xác nhận của chính quyền địa phương.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, UBND thành phố Hà Nội đã làm rõ và yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8 của Chủ tịch UBND thành phố.
Cụ thể, người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường theo mẫu đã được ban hành ngày 29/7.
Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn thành phố; cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thuộc thành phố thì Người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch (như đã nêu tại mục 2 và mục 3 Công văn số 2562/UBND-KT ngày 7/8).
Đối với các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố đã nêu tại mục 5 của Công văn số 2562/UBND-KT ngày 7/8/2021: Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.
Để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giãn cách của các đơn vị trên địa bàn và tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).
Việc xác nhận của UBND cấp phường, xã cần được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở.
Trên các tuyến phố cũng không còn cảnh "ùn ứ" tại các chốt kiểm soát dịch.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động cần bố trí nhiều lao động đến làm việc, UBND cấp phường, xã chủ động phối hợp, cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với đơn vị tại địa điểm để thống nhất phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xác nhận danh sách người lao động cần lưu thông trên đường, làm cơ sở để thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường cho người lao động.
Thông báo của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: Các lực lượng, các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát và liên thông thông tin để phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị xử lý các đơn vị cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích trong thời gian giãn cách; yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch và trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân.
UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, trường hợp có khó khăn vướng mắc cần kịp thời báo cáo UBND thành phố để xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận