Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia
Chiều ngày 2/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia. Đây là một trong các phiên hội thảo chuyên đề của Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit).
- Khai mạc tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019
- Ra mắt “giải pháp năng lượng thông minh, bền vững” tại Việt Nam
Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế TƯ chủ trì và điều hành Hội thảo
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu trên, việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước có vai trò quan trọng.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam, để nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển, việc tiếp cận, nắm bắt những thành tựu công nghệ mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững là yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, đối với ngành năng lượng là ngành kỹ thuật cao, mang tính nền tảng trong kết cấu hạ tầng quốc gia thì yêu cầu này càng trở nên hết sức cấp thiết.
Hiện nay, năng lượng thông minh không chỉ còn là khái niệm mang tính học thuật mà đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều mặt của sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội.
Phát triển năng lượng thông minh ngày nay đang là xu thế rõ nét, từng bước làm thay đổi ngành năng lượng truyền thống, tạo ra những thành quả to lớn, mang tính đột phá trong phát triển những nguồn năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng mới, tái tạo cũng như trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và thực thi chiến lược phát triển năng lượng thông minh gắn với nền kinh tế số, theo đó, một trong những điều kiện cơ bản là phải thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số quốc gia, cụ thể hơn là chuyển đổi số trong ngành năng lượng.
Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển năng lượng thông minh theo hướng bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây lại là thách thức lớn trong bối cảnh hạ tầng số quốc gia hiện nay còn hạn chế, thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực thực hiện.
Mặc dù vậy, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0 toàn cầu, với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngành năng lượng Việt Nam đã không ngừng phát triển và tiếp cận trang thiết bị công nghệ mới, có mức độ tự động hóa cao trong vận hành, thu thập dữ liệu, giám sát, cảnh báo, điều khiển xa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đảm bảo an toàn, tin cậy và tính kinh tế trong vận hành các công trình năng lượng nói chung và hệ thống điện nói riêng.
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành các nhà máy điện, hệ thống truyền tải, phân phối điện đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tới đây, khi tích hợp ngày càng lớn các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vào vận hành trong hệ thống điện, thì áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong đo đếm, thu thập dữ liệu, dự báo, điều khiển xa các phần tử trong hệ thống điện… càng trở thành điều kiện quyết định đối với việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cũng như đảm bảo vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện.
TBA không người trực góp phần nâng cao năng suất lao động hiệu quả
Trước vấn đề này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến nay, EVN và các đơn vị đã và đang triển khai xây dựng, thực hiện 41 đề án, dự án, đề tài, nhiệm vụ thành phần thuộc Đề án cách mạng công nghiệp 4.0 của Tập đoàn hoặc trình Tập đoàn phê duyệt chủ trương.
Ngoài 41 nhiệm vụ trọng điểm này, việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang được các đơn vị khác tiếp tục triển khai theo chủ trương chung của Tập đoàn.
Nêu cụ thể những thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ông Võ Quang Lâm chia sẻ, trong khối phát điện, các nhà máy thủy điện mới xây dựng đã trang bị công nghệ mới như theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị và sửa chữa bảo dưỡng hướng tới độ tin cậy.
Các nhà máy nhiệt điện gần đây đã sử dụng thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến phục vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa như theo dõi thông số, trạng thái vận hành liên tục như độ rung, nhiệt độ, áp suất… các thiết bị chính.
Còn với khối truyền tải điện, với mục tiêu đến năm 2020, sẽ chuyển 60% trạm biến áp 220 kV và 100% các trạm biến áp 110 kV thành các trạm biến áp không người trực, các trạm biến áp đã và đang được các đơn vị tiến hành ứng dụng công nghệ GIS giúp tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, hỗ trợ việc điều hành một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tính đến tháng 6/2019, đã có 70,6% số trạm biến áp được thực hiện thao tác xa. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã hoàn thành nghiên cứu và triển khai ứng dụng thành công thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận