Khai mạc tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2019
Hôm nay, tại Khách sạn Fortuna, Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) đã tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 20/9 tại Hà Nội và An Giang.
Là quốc gia có nguồn tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, Việt Nam cần ưu tiên phát huy tối đa lợi thế này vì lợi ích kinh tế xã hội và môi trường trong lành cho người dân. Năng lượng tái tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn cho Việt Nam, tạo ra nguồn thu nhập mới cho nông dân và các địa phương.
Khai mạc hội nghị, ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên Giáo Trung Ương) phát biểu: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Vì thế năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Trong hai năm qua đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách và cơ chế phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
Tính tới tháng 7 năm 2019, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn tái tạo chính được đưa vào bận hành thương mại với công suất lần lượt đạt 4.543,8MW và 626,8MW, chiếm hơn 9% tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Nhấn mạnh tại Hội nghị ông cho biết hiện tại ở các nước có thể đạt tới 70% nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 15% nguồn năng lượng tái tạo đóng góp cho sự phát triển của ngành điện.
Ông Phạm Ngọc Linh cũng kì vọng: “Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện. Điều quan trọng của chúng ta bây giờ là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, chúng ta có thể tìm ra được những giải pháp hoàn chỉnh, hiệu quả hơn để ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới”.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối VSEA cho biết, Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 sẽ tập trung vào chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Đây là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Cụ thể đây là dịp để các đại biểu đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng sắp tới đây như Quy hoạch điện VIII hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.
Cũng theo bà Bà Ngụy Thị Khanh cho biết: “Là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch. Việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Tại Việt Nam, chỉ trong vòng một năm qua, đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm, môi trường và nguồn tài chính…
Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, chúng ta cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương.
Tại buổi hội thảo với chủ để Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã có những trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về hiện trạng phát triển cũng như khả năng chuyển dịch hệ thống điện của Việt Nam hiện nay.
Nội dung buổi thảo luận tập trung làm rõ và trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể làm gì để đáp ứng được xu thế chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ như hiện nay? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các bài học kinh nghiệm chuyển dịch thành công của bạn bè quốc tế?
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận