Doanh nghiệp chuyển đổi số là điều tất yếu trong thời kỳ COVID-19
Trước trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, mỗi một nền kinh tế cần đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, an toàn về y tế và đối với Việt Nam cũng cần tự túc ở mức độ cần thiết, tận dụng được những cơ hội ở các hiệp định thương mai gần đây.
- 100 nghìn doanh nghiệp số phải tạo được đột phá cho chiến lược "Make in Vietnam"
- 3 thách thức lớn của doanh nghiệp Việt khi vận hành hệ thống an toàn thông tin
- 3 điểm có lợi cho doanh nghiệp của hóa đơn điện tử
Theo ông Lê Đăng Doanh, Việt Nam được ca ngợi là quốc gia kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 và Đảng, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, trong vòng một tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch xuất khẩu đạt 277 triệu USD sang 28 nước EU.
TS Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế cần đáp ứng an ninh lương thực cùng với an toàn về y tế.
Các mặt hàng của Việt Nam đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...
Tiếp theo, có thể kể đến mặt hàng gạo, tôm, cà phê, trái cây... được xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có. Riêng những mặt hàng rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua.
Tuy nhiên, thị trường EU cũng đặt ra tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh, nhất là đối với các thị trường khó tính như châu Âu, châu Úc, châu Mỹ…
Trong khi ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng quy trình quản lý, đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế... còn khá nhiều doanh nghiệp chưa đủ lực.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần kịp thời tìm giải pháp phù hợp và hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường là yếu tố quan trọng.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, các chuyên gia đề xuất doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế số hóa, tham gia chuỗi giá trị với các đối tác trong nước và ngoài nước; trong đó, doanh nghiệp phải có chiến lược nâng cấp mạng lưới kết nối qua mạng, đầu tư trang thiết bị thích hợp, đồng thời tận dụng quảng cáo, giao dịch online...
Doanh nghiệp nên chủ động cập nhật đánh giá tình hình thị trường và có điều chỉnh thích hợp với biến động thị trường trong tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu...
Chuyển đổi số ở các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là tất yếu để có thể ứng phó với hậu quả của dịch COVID-19.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm thương mại công nghệ cao - chi nhánh công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị này đã và đang trở thành nơi hội tụ để nhà đầu tư gặp gỡ các Start-up trẻ có cơ hội thực hiện các ý tưởng kinh doanh thông qua việc tài trợ vốn cho các Start-up, thu hút đầu tư tài chính quốc tế, công nghệ cao... nên những doanh nghiệp mới có thể tìm gặp các nhân tài kỹ thuật cao để thuê hay hợp tác.
Ngoài ra, Trung tâm thương mại công nghệ cao còn cung cấp hệ thống quản trị, dịch vụ đa ngành nghề thương mại; chuyển giao và tiếp nhận công nghệ.
Liên quan đến nền kinh tế số hóa, TS. Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội chỉ ra rằng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần khai thông dòng chảy kinh tế thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 là vấn đề ngành khoa học và công nghệ quan tâm hàng đầu. Thời gian qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, trong đó có sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong giai đoạn thách thức như hiện nay, đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết được ngành khoa học và công nghệ chú trọng khuyến khích doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ tiện ích.
Còn hiệp hội doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, kết nối doanh nghiệp hướng đến mục tiêu đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở khoa học công nghệ, mà còn trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, vận hành sản xuất kinh doanh...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận