Hải quan Đà Nẵng: 3 giải pháp trọng tâm tạo nền tảng chuyển đổi số
Trong Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cục Hải quan Đà Nẵng đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan và quản lý tự động với hệ thống CNTT có độ tích hợp cao và tự động hóa tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan. Để triển khai, Hải quan Đà Nẵng đặt ra 3 giải pháp trọng tâm.
- 10 sự kiện nổi bật của ngành hải quan trong năm 2021
- Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030: Đẩy mạnh chuyển đổi số
- Hải quan chủ động ứng phó với các tình huống tấn công mạng
Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, CNTT là một trong những nhân tố quan trọng đã giúp đơn vị thực hiện thành công Chiến lược cải cách, hiện đại hóa hải quan những năm vừa qua. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đến nay thủ tục khai báo, làm thủ tục hải quan đã được điện tử hóa mọi lúc, mọi nơi, việc xử lý thông quan hàng hóa cũng đã được tự động hóa trong cả 3 khâu trước, trong và sau thông quan. Đồng thời cũng là tiền đề để Hải quan Đà Nẵng xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số của ngành Hải quan.
Trong giai đoạn vừa qua, Cục Hải quan Đà Nẵng đã bám sát và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Sau 5 năm thực hiện, Cục Hải quan Đà Nẵng đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra như: tổ chức phối hợp triển khai và xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4; triển khai và xây dựng các hệ thống ứng dụng CNTT; hướng dẫn khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ; triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống CNTT. Đặc biệt Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7 giúp cho hàng hóa XNK được thông quan nhanh chóng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra Cục Hải quan Đà Nẵng còn phát triển xây dựng một số phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý nội bộ tại Cục.
Với việc tăng cường ứng dụng CNTT, triển khai hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu đã góp phần vào kết quả tăng trưởng của đơn vị trong những năm qua. Trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu; tổng số tờ khai xuất khẩu, tờ khai nhập khẩu, số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Đà Nẵng tăng qua các năm.
Nếu như năm 2017, số tờ khai làm thủ tục tại Cục Hải quan Đà Nẵng đạt 96.182 tờ khai; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn là hơn 3.315 triệu USD; số thu NSNN đạt 3.323 tỷ đồng. Đến năm 2021, số tờ khai tăng lên 114.452 tờ khai; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.562 triệu USD; số thu ngân sách nhà nước tăng 17,31%, đạt 4.954 tỷ đồng.
Dù những kết quả CNTT trong thời gian qua đã góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc của ngành Hải quan nói chung và Hải quan Đà Nẵng nói riêng, tuy nhiên nhìn vào thực tế vẫn còn những tồn tại. Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, những vấn đề tồn tại nằm ở chỗ các ứng dụng hiện nay quá nhiều, khi công chức thực hiện tại vị trí việc làm giải quyết thủ tục thì phải vận hành nhiều phần mềm ứng dụng, hơn nữa mức độ tích hợp giữa các hệ thống còn hạn chế.
3 giải pháp, 8 nhiệm vụ
Trước sự chuyển mình của khoa học công nghệ, ứng dụng số hóa trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, trên cơ sở mục tiêu Chuyển đổi số chung toàn ngành Hải quan, Cục Hải quan Đà Nẵng xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu và phải thực hiện một cách quyết liệt. Đơn vị đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tại Cục Hải quan Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đối với các mục tiêu Chuyển đổi số đơn vị bám sát lộ trình, kế hoạch nhiệm vụ Chuyển đổi số của ngành Hải quan đề ra mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể.
Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Quách Đăng Hòa cho biết, Cục xác định 8 nhiệm vụ để tham, gia, triển khai hoạt động chuyển đổi số bao gồm: tham gia hoàn thiện chính sách đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện chuyển đổi số; tham gia số hóa quy trình, số hóa dữ liệu và tổ chức triển khai các ứng dụng CNTT tích hợp, thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động nghiệp vụ; tham gia số hóa quy trình, số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác chỉ đạo điều hành và công tác quản lý nội ngành; triển khai dịch vụ công và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số; triển khai thủ tục hành chính trên một cửa quốc gia,một cửa ASEAN; phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số; đảm bảo an ninh an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực.
Nhằm đáp ứng với các nhiệm vụ, quyết sách quan trọng về chuyển đổi số trên địa bàn, Cục Hải quan Đà Nẵng đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiên tốt nhiệm vụ đề ra. Trong đó tập trung vào 3 giải pháp chính tạo nền tảng chuyển đổi số và thực hiện chuyển đổi số gồm:
Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, kỹ năng số của cán bộ công chức (CBCC) Hải quan và tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho CBCC trong đơn vị về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số,kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu.
Thứ hai, phát triển hạ tầng số, ứng dụng công nghệ 4.0 và bảo đảm an ninh an toàn, trong đó, gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với CCHC, ứng dụng các công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước về Hải quan, đẩy mạnh tự động hoá tất cả các lĩnh vực Hải quan; đảm bảo an ninh an toàn, không làm gián đoạn các hoạt đông nghiệp vụ gây ảnh hướng đến hoạt động XNK, XNC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở triển khai, cung cấp đẩy đủ dịch vụ công trực tuyến và có thể truy cập trên nhiều phương tiên khác nhau; nghiên cứu sử dụng dữ liệu để giảm thành phần hồ sơ của người dân, doanh nghiệp phải nộp khi thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng văn hoá trong xử lý công việc và tăng cường kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp...
Theo Haiquanonline
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận