Sản xuất thông minh trong ngành điện tử: Kết nối và phát triển chuỗi cung ứng
Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp với Tạp chí Công nghệ mới Step by Step (Nhà xuất bản Quốc tế ACT International) tổ chức Hội nghị sản xuất thông minh trong ngành điện tử “Kết nối và phát triển chuỗi cung ứng”.
Sự kiện thu hút các công ty hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu như BYD, Giza E&C, ACD Vietnam, Global Energy, Sunvic global llc, Goertek Vietnam, Beetech solution, Hitta, Ecofes, HITTA JSC, HungT, Meslab, Ito Vietnam, Datong Electronics... Đặc biệt là có trên 100 công ty điện tử địa phương hàng đầu có tiếng ở Việt Nam đã tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh, tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề khác nhau. Ngành điện tử là ngành luôn tiên phong, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hướng tới sản xuất thông minh.
Với lợi thế dân số trẻ và quy mô thị trường lớn, Việt Nam là thị trường tiềm năng của các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử.
Đại diện các doanh nghiệp điện tử trao đổi thông tin.
Theo ông Sơn, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ nhất trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD.
Các số liệu cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2011 đến 2023, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Trong đó, tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam vào năm 2023.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng lên trong những năm qua. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay.
“Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử của Việt Nam đạt gần 50 tỷ USD. Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất, xuất khẩu mà còn là nơi sản xuất các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh. Trong các đối tác, Trung Quốc là đối tác lớn với kim ngạch nhập khẩu máy tính, vi tính, sản phẩm điện tử năm 2023 đạt 23 tỷ USD. Trung Quốc 21 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Xét theo tiêu chí quốc gia, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc”, ông Sơn cho hay.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện.
Để giúp các doanh nghiệp mở rộng, tăng cường chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam, theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương sẽ có các kiến nghị tăng cường các hợp tác, trao đổi chuyên môn giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Cùng đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ, Uỷ viên BCH VEIA: trong 7 tháng đầu năm, ngành điện tử xuất siêu đạt 8.051 triệu USD và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu điện thoại, linh kiện lớn nhất với tỷ trọng chiếm 28% thị phần xuất khẩu của ngành điện tử Việt Nam.
Các công ty sản xuất điện tử như Foxconn, Luxshare đã tích cực tham gia hợp tác và xây dựng thị trường Việt Nam bằng cách xây dựng nhà máy mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất.
Năm 2021, Foxconn đầu tư 453 triệu USD SX lắp ráp máy tính bảng, đầu năm 2023, công ty con của Foxconn cũng đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ. Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như Foxconn, Pegatron,…Sự phát triển này đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ.
Là doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam, bà Dai Yican, Giám đốc kỹ thuật Công ty East Science Technology Việt Nam cho biết, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử nói riêng rất ổn định và đặc biệt có sự sáng tạo rất lớn.
“Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có sự kết hợp với các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới sự hợp tác này sẽ hộ trợ cho nhau tốt hơn nữa, từ đó doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh được vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Dai Yican đánh giá.
Với các chủ đề về dịch chuyển sản xuất thông minh và tham gia chuỗi cung ứng, đại diện các doanh nghiệp điện tử lớn từ Trung Quốc, chuyên gia đã thuyết trình và thảo luận chuyên sâu về những tiến bộ mới nhất trong sản xuất điện tử, những đột phá công nghệ quan trọng và vai trò cốt lõi trong việc nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp.
Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển hướng sản xuất thông minh trong ngành điện tử, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tham gia kết nối và phát triển chuỗi cung ứng cũng như việc vận hành các nhà máy thông minh, cải thiện năng suất.
Bên lề Hội nghị, các đại biểu đã tham quan nhà máy tại Bắc Ninh để có thể nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển của hai công ty sản xuất địa phương nổi tiếng của Việt Nam là Hanel PT và VNPT Technology, nhằm mở ra những ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển sinh thái lành mạnh của ngành công nghiệp điện tử địa phương, kết nối và phát triển chuỗi cung ứng chung của ngành tại Việt Nam.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng