Tạo điều kiện tốt nhất cho sự cống hiến của báo chí cách mạng
Nhằm tăng cường và đổi mới quản lý Nhà nước với báo chí, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện tốt nhất cho sự cống hiến của báo chí cách mạng, sáng ngày 13/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Buổi làm việc có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và những người đứng đầu các cơ quan truyền thông tiêu biểu.
- Ảnh báo chí còn thiếu các tác phẩm chất lượng
- Báo chí cách mạng Việt Nam - Nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
- Chuyển đổi số để Báo chí cách mạng Việt Nam bắt nhịp với thời đại công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc
Trong buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" và mục tiêu biến "không thành có, khó thành dễ, không thể thành có thể". Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và nhận thức rằng báo chí là công cụ không thể thiếu đối với đời sống xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự khó khăn và thách thức mà báo chí đang phải đối mặt, như sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập và cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội. Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí tạo không gian văn hóa trong hoạt động báo chí để chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn và bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo chí phải đảm nhận vai trò dẫn dắt thông tin và truyền cảm hứng cho cộng đồng và xã hội. Thủ tướng khuyến khích việc phát hiện và tôn vinh những người và việc làm tốt, tạo động lực tích cực, lên án cái xấu và chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của báo chí và công tác truyền thông cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và khuyến khích việc thúc đẩy công nghệ số hóa trong lĩnh vực báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối thông tin, tiếp cận đối tượng đọc giả rộng hơn và tăng cường sự tương tác với công chúng.
Trong buổi làm việc, Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam và đề xuất một số nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Đầu tiên, ông đề nghị Hội Nhà báo phải nắm vững vai trò, trách nhiệm của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Thứ hai, ông yêu cầu Hội Nhà báo tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, nhằm đảm bảo chất lượng và uy tín của thông tin truyền tải.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Hội Nhà báo xây dựng một môi trường lành mạnh, công bằng và minh bạch trong hoạt động báo chí, đồng thời đảm bảo quyền lợi, đạo đức nghề nghiệp và an ninh cho các nhà báo. Ông khuyến khích Hội Nhà báo và các cơ quan truyền thông tận dụng tốt các kênh truyền thông mới, như truyền hình kỹ thuật số, phát thanh trực tuyến, mạng xã hội, để tiếp cận và tương tác với công chúng một cách hiệu quả.
Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn và động viên đến tất cả những người làm báo, những nhà báo cách mạng đã đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp báo chí của Đảng và nhân dân. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất và thực hiện những chính sách, biện pháp cần thiết để báo chí ngày càng phát triển và góp phần xây dựng một Việt Nam vững mạnh, giàu đẹp, dân chủ, công bằng và văn minh.
Muốn báo chí cách mạng thì phải đầu tư công nghệ cho báo chí
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang sửa các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là các nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng một số nền tảng công nghệ dùng chung cho các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí nhỏ đang gặp khó khăn, hạn chế về ứng dụng công nghệ. Báo chí cách mạng cần phải là dòng chủ lưu trên không gian mạng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng. Thay vì viết nhiều bài thì viết các bài để dẫn dắt. 5% tin bài của báo chí phải dẫn dắt được 95% còn lại. Mỗi cơ quan báo chí phải là nền tảng số để người dân tham gia cập nhật thông tin. Trước đây đầu tư vào con người thì nay đầu tư vào công cụ, công cụ trước đây là cây bút trang giấy thì nay là công nghệ, các nền tảng ứng dụng kỹ thuật số, đầu tư vào nền tảng số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến đầu tư vào các nền tảng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường đầu tư cho các cơ quan báo chí. Không có vũ khí thì không thể chủ động, muốn báo chí cách mạng thì phải đầu tư công nghệ cho báo chí.
“Quan tâm đến báo chí nước nhà cần quan tâm đến yếu tố chính trị, cả về con người và cả về kinh tế báo chí. Chúng tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách…”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị.
Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
Thay mặt giới báo chí cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai nhiệm vụ của người làm báo thời gian qua, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên nhà báo, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực.
“Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội, để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến. Tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng