Thông tin cơ sở là một lực lượng truyền thông đặc biệt
Tại Hội nghị tổng kết lĩnh vực Thông tin cơ sở (TTCS) ngày 04/01/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Phải coi TTCS là một lực lượng truyền thông đặc biệt và cách tiếp cận của TTCS khác báo chí, gần dân hơn, dùng người nhiều hơn, là một lực lượng quan trọng, không kém gì báo chí nhưng họ ở tuyến cuối cùng”.
Sáng ngày 04/01/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 lĩnh vực Thông tin cơ sở.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục TTCS.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, TTCS tiếp tục khẳng định vai trò của hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; lan toả năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Đến ngày 30/11/2023, cả nước có:
- Hơn 221.000 tuyên truyền viên cơ sở đang cung cấp, phổ biến thông tin thiết yếu trực tiếp đến người dân.
- 10.041 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn, đạt 94,7%, tăng 2,3% so với năm 2022 (mục tiêu năm 2023 đạt 95%).
Trong đó, có 2.092 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, đạt 20,8%, tăng 8% so với năm 2022 (mục tiêu năm 2023 đạt 20%)
- 7,206 trang thông tin điện tử cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn, đạt 68%; tăng 17,78% so với năm 2022 (mục tiêu năm 2023 đạt 70%).
Báo cáo với Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục TTCS cho biết, thời gian qua, Cục đã phối hợp với Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC và các đơn vị liên quan xây dựng Hệ thống thông tin nguồn TTCS. Quý IV năm 2023, đã thí điểm triển khai Hệ thống thông tin nguồn Trung ương kết nối với Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh tại Thành phố Hải Phòng nhằm hoàn thiện các chức năng, tính năng kỹ thuật trong toàn Hệ thống thông tin nguồn từ trung ương tới cấp tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTCS, Cục đã xây dựng được bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ gồm các nội dung liên quan đến những vấn đề cơ bản về thông tin cơ sở, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, sử dụng các phần mềm phục vụ hoạt động thông tin cơ sở. Bộ tài liệu này là cơ sở để xây dựng học liệu bồi dưỡng chuyên đề hằng năm cho từng đối tượng làm công tác thông tin cơ sở ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên các nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS).
Tổ chức giải thưởng về TTCS hàng năm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Cục TTCS nên tổ chức giải thưởng hàng năm về TTCS. Bộ trưởng nhận định, “Giải thưởng TTCS sẽ rất ấn tượng, tạo phấn khởi cho anh em. Cũng là dịp để các tỉnh, địa phương nhìn thấy lực lượng TTCS là rất lớn. Nếu không làm thì địa phương không nhìn thấy”.
Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Cục TTCS trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh có nguồn lực hạn chế. Nhưng nhờ tìm được giá trị cốt lõi, tìm được cái mới mà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Cục cũng xác định được 3 đột phá chiến lược, đó là:
Đầu tiên là thể chế (Nghị định, Thông tư, tiêu chuẩn, các hướng dẫn rồi tiến tới Luật). Bộ trưởng cho rằng, nên có Luật riêng cho TTCS thì tốt hơn. Cục cân nhắc và báo cáo lãnh đạo Bộ trong nửa đầu năm 2024.
Thứ hai là hạ tầng. Theo Bộ trưởng, hạ tầng xây dựng trên môi trường số nên thuận lợi nhiều. Các nền tảng số dùng chung, hệ thống loa cũng dựa trên nền tảng số. Thay vì mỗi xã, đài có phần mềm riêng thì tạo ra nền tảng chung lại rất rẻ. Hạ tầng trên môi trường số khác. Công cụ làm việc trước đây phân tán không gọi là hạ tầng. Công cụ làm việc dùng chung cho 200.000 người là một loại hạ tầng.
Thứ ba là nhân lực. Phải dùng trợ lý ảo, thay vì dạy trực tiếp mới mang lại hiệu quả. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Vẫn là câu chuyện thể chế, vẫn là câu chuyện hạ tầng, là đào tạo, nguồn nhân lực nhưng cách làm phải khác.”
Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục TTCS báo cáo Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ tại Hội nghị
TTCS là lực lượng truyền thông đặc biệt
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong lĩnh vực TTCS thì hạ tầng người là hạ tầng quan trọng nhất vì lực lượng TTCS có 200.000 người và đấy là sức mạnh duy nhất tạo nên lực lượng. Hạ tầng TTCS có khái niệm last-mile (chặng cuối - pv), cũng như bưu chính có người chuyển phát hàng hóa đến tận nhà và chặng cuối là khó khăn, tốn kém nhất, đòi hỏi nhiều người nhất. Đội ngũ TTCS cũng là những người làm ở chặng cuối. Sức mạnh chính là ở chỗ đó, biết từng người, từng nhà dân. Đặc biệt của TTCS là đến từng hộ gia đình, từng nhóm nhỏ.
Bộ trưởng cho biết thêm: “Trong cơ quan nhà nước ít có hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) nhưng đó là việc rất quan trọng. Ví dụ như tìm ra giải pháp đọc phát thanh cho hơn chục nghìn người; lấy đâu thông tin để viết về biển đảo? Trợ lý ảo cho người làm TTCS sẽ là giải pháp căn bản.”
“Việc gì khó, nhiều quy định, nhiều dữ liệu thì để AI làm, dành những việc không có dữ liệu, không có thông tin để con người làm vì con người có trí tưởng tượng và chính sự tưởng tượng của con người thì ít dữ liệu mới tư duy được, cái đó máy không làm được. Việc mình làm để đỡ vất vả hơn.” Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục TTCS
Nhận thức mới, kim chỉ nam cho chặng đường tiếp theo
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024, Bộ, ngành sẽ phải thay đổi góc nhìn, góc tiếp cận, biến việc không khả thi thành khả thi, làm việc của mình tốt hơn, vĩ đại hơn, dễ hơn, ít tốn kém hơn. Làm được theo hướng này thì giá trị tạo ra cho đất nước là rất lớn và thể hiện được rõ vai trò của TTCS.
Bộ trưởng chia sẻ: “Lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, Truyền thông, Thông tin cơ sở là 4 lĩnh vực khác nhau. TTCS đứng tương đương các lĩnh vực khác. Như vậy, vị thế của TTCS cũng sẽ khác. Muốn tạo được vị thế đó thì phải làm, nhưng Cục chỉ có chưa đầy 20 người thì phải nghĩ ra cách dễ, phải biến cái khó thành cái dễ. Hiện tại Cục đang khó nhất ở khâu đào tạo. Vậy thay vì trực tiếp đào tạo 200 nghìn người thì tặng cho họ một giúp việc, đó là trợ lý ảo.”
Nhân dịp đầu năm mới 2024, Bộ trưởng chúc toàn thể lãnh đạo, công chức và người lao động Cục TTCS cũng như đội ngũ tuyên truyền viên, làm công tác thông tin cơ sở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên toàn quốc lời chúc: “Năm 2024 thì làm việc ít đi, đỡ vất vả hơn nhưng chất lượng lại tốt hơn thông qua trợ lý ảo để tạo ra nhiều giá trị thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.”
Theo Mic.gov.vn
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng