Chính phủ Mỹ muốn có một phần lợi ích từ các hoạt động của TikTok
Trong thông tin mới nhất được Tổng thống Trump phát đi, ông chủ Nhà Trắng cho biết Chính phủ Mỹ mong muốn nhận được một phần lợi ích từ các hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc.
- Ông Trump ra "tối hậu thư" với TikTok - Bytedance có 90 ngày để "bán mình"
- Bị ép cùng đường, công ty Trung Quốc chấp nhận thoái vốn để cứu TikTok
- Bytedance muốn "bán mình" đâu có dễ
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Washington đã thúc đẩy để có được thoả thuận này. Do đó, họ cần phải được bồi thường xứng đáng. Nhà lãnh đạo 74 tuổi này nói: “Tôi đã yêu cầu họ (ByteDance) chấp nhận một thoả thuận trước ngày 15/9 và sau đó, mọi thứ (liên quan đến hoạt động của tập đoàn này) sẽ kết thúc tại Mỹ”.
Ông Trump hy vọng Chính phủ Mỹ sẽ có một phần lợi ích từ các hoạt động của TikTok.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình đã chỉ trích lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc chính phủ cần phải được hưởng lợi từ thương vụ mua bán TikTok, cho rằng điều này đi ngược lại với hiến pháp quốc gia và gần giống như một hành động "tống tiến".
TikTok đã trở thành tâm điểm trong “cơn bão ngoại giao” giữa Washington và Bắc Kinh. Tổng thống Trump đã đưa ra thời hạn cuối cùng để các công ty Mỹ ngừng kinh doanh với công ty mẹ ByteDance của TikTok.
Trước sức ép từ phía Mỹ, ByteDance đã tuyên bố sẽ "tuân thủ nghiêm ngặt" các quy tắc về xuất khẩu mới ở Trung Quốc, dù điều này có thể làm phức tạp thêm thương vụ mua bán kể trên.
Đáp lại động thái của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc tuần trước đã công bố một số quy định mới nhằm bổ sung cụm từ "mục đích sử dụng dân sự" vào danh sách các công nghệ bị hạn chế xuất khẩu.
Với 23 hạng mục bị hạn chế xuất khẩu mới, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Bắc Kinh tiến hành điều chỉnh danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu.
TikTok, ứng dụng đã được tải xuống 175 triệu lần ở Mỹ và hơn 1 tỷ lần trên khắp thế giới, lập luận rằng Tổng thống Trump đã lạm dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), vì nền tảng này không phải là "một mối đe doạ bất thường”.
Trước đó, Tổng thống Trump đã tuyên bố TikTok có thể được Bắc Kinh sử dụng để theo dõi vị trí của các nhân viên liên bang, xây dựng hồ sơ để tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, TikTok đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Tuần trước, Giám đốc điều hành TikTok Kevin Mayer đã tuyên bố rời công ty, vài ngày sau khi TikTok khởi kiện chính quyền Mỹ về lệnh cấm ứng dụng này hoạt động tại Mỹ.
Trong khi đó, Walmart đã xác nhận sẽ hợp tác với Microsoft để đàm phán mua TikTok, trong khi “đại gia” Oracle cũng được cho là quan tâm đến ứng dụng này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận