Google tiếp tục vướng vòng "lao lý" vì lý do độc quyền
Đồng thái mới của Google khi thu phí cho hoạt động mua sắp in-app trên kho ứng dụng điện thoại di động đã khiến giới chức Hàn Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ này.
- "Vận đen" tiếp tục đeo bám Google khi bị điều tra về chống độc quyền
- Apple có thể sớm cho người dùng chọn Google Maps, Gmail là ứng dụng mặc định
- Bảo vệ tài khoản Google - Cách đơn giản không phải ai cũng biết.
Ngày 8/10, Hàn Quốc đã quyết định tiến hành điều tra chống độc quyền đối với "gã khổng lồ" công nghệ Google khi công ty này có kế hoạch tính phí hoa hồng đối với tính năng mua sắm in-app trên kho ứng dụng điện thoại di động.
Giới chức Hàn Quốc đang "để mắt" tới Google sau khi công ty này điều chỉnh chính sách toàn cầu vào cuối tháng trước, buộc mọi ứng dụng trong cửa hàng Play sử dụng hệ thống thanh toán riêng của mình.
Đây là chiến dịch chính thức của giới chức Hàn Quốc sau thời gian theo dõi về chính sách ép người dùng sử dung kênh thanh toán của mình.
Theo chính sách mới, dự kiến có hiệu lực từ tháng 10/2021, Google sẽ tính 30% phí hoa hồng đối với tất cả sản phẩm kỹ thuật số được mua sắm trong cửa hàng Play.
Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà phát triển ứng dụng Hàn Quốc, cho rằng nó có thể vi phạm luật viễn thông và thương mại công bằng của nước này.
Phát biểu tại quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc (KFTC), bà Joh Sung-wook, cho rằng cần xem xét lại kế hoạch của Google. Theo bà, hiện chưa có sự cạnh tranh thích đáng trong lĩnh vực này, do đó cần tiến hành điều tra với các hành động mang tính độc quyền.
Hiệp hội Doanh nghiệp Internet di động Hàn Quốc (KMIBA) cho biết trong năm 2019, Google đã nắm giữ một lượng lớn doanh số bán hàng trên kho ứng dụng, chiếm tới 63,4% tổng doanh thu 6.000 tỉ won (khoảng 5 tỉ USD) của nước này. Trong khi đó, Ủy ban Thông tin Hàn Quốc (KCC) cũng đang tiến hành một cuộc điều tra riêng đối với Google liên quan đến chính sách thanh toán trên in-app.
Google cho biết đã duy trì một hệ thống mở thông qua việc đưa ra các kho ứng dụng khác trên nền tảng Android và công ty này sẽ tuân thủ luật pháp nước sở tại. Để đối phó với những quan ngại ngày một gia tăng, Google đã lập một quỹ trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ các nhà phát triển và người dùng ứng dụng tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và truyền thông (ICTM) Choi Ki-young đã không đồng ý về quỹ trên, cho rằng số tiền chỉ là "muối bỏ bể" trong dài hạn. Ông tuyên bố ICTM sẽ đánh giá lại các mức phí áp dụng trên các nền tảng trực tuyến, trước hết là của Google, vào cuối tháng này.
Phản ứng với chính sách tính phí mới của Google, One Store – thuộc tập đoàn di động hàng đầu Hàn Quốc SK Telecom và là đối thủ cạnh tranh với Goole tại thị trường này – cho biết sẽ giảm 50% phí mua sắm In-App cho các nhà phát triển ứng dụng có giao dịch hàng tháng dưới 5 triệu won cho tới cuối năm 2021. Hiện One Store đã thu hẹp cửa hàng Play của Google và áp dụng phí hoa hồng 20% cho các mua sắm In-app.
Trong khi đó, cùng ngày, một tòa phúc thẩm của Pháp đã ra phán quyết yêu cầu Google đàm phán với các nhà xuất bản ở nước này về vấn đề trả phí sử dụng nội dung.
Phán quyết trên được cho là sẽ kéo theo nhiều động thái tương tự bên ngoài nước Pháp, bởi nó yêu cầu Google phải ngồi lại, bàn thảo với các nhà xuất bản, các hãng tin về vấn đề trả phí theo quyền liên quan - vốn được đưa ra trong các quy định sửa đổi về bản quyền của Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, các nhà xuất bản được phép yêu cầu các nền tảng trực tuyến trả phí khi hiển thị những đoạn tin tức của họ.
Phán quyết trên của tòa phúc thẩm Pháp hoàn toàn khác với cam kết của Alphabet - "công ty mẹ" của Google - chi trả 1 tỷ USD cho các nhà xuất bản trên toàn thế giới trong 3 năm tới, do nó yêu cầu phải tìm ra được một phương thức lâu dài để các nhà xuất bản và hãng tin được trả phí.
Đáp lại, Google cho biết sẽ xem xét lại phán quyết của tòa phúc thẩm Pháp. Trước đó vài giờ, công ty này cũng thông báo có thể đạt được thỏa thuận trả phí với các nhà xuất bản và các hãng tin Pháp.
Trước đó, tháng 4 vừa qua, cơ quan chống độc quyền của Pháp cũng yêu cầu Google phải đàm phán với các nhà xuất bản và hãng tin về việc trả phí sử dụng nội dung.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận