Hóa đơn điện tử: Tiến độ thực hiện còn chậm
Nhiều thương nhân đồng ý dùng hóa đơn điện tử để minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, nhưng vẫn còn không ít rắc rối.
Hóa đơn điện tử thu hộ tiền điện được in ra cho khách hàng tại trang web: http://cskg.hcmpc.com.vn - Ảnh: N.C.T.
Theo kế hoạch hành động tại quyết định số 89 của Bộ Tài chính, hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM phải cơ bản hoàn thành áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong năm 2019.
Nhưng Cục Thuế TP HCM cho biết tính đến ngày 31/10, TP mới có 63.045 doanh nghiệp (DN) sử dụng HĐĐT (chiếm 32,3%). Khá nhiều DN vẫn còn chần chừ vì phải có thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin và nguồn nhân lực tương thích, rồi lo ngại bảo mật...
Người tiêu dùng hưởng ứng
Chị H.Thanh - ngụ Q.Bình Thạnh, TP HCM - cho biết vẫn hay làm thủ tục thanh toán chi phí bảo hiểm cho bản thân và gia đình. Trước đây, mỗi lần mua thuốc hay khám chữa bệnh phải giữ hóa đơn giấy, rồi định kỳ hai tháng mới làm quyết toán bảo hiểm nên nhiều lần làm thất lạc hóa đơn. Trong khi đó với HĐĐT, tất cả đều gửi vào mail cá nhân nên việc lưu trữ dễ dàng...
Theo bà Mai Anh Đào - nhân viên kế toán một DN ở TP HCM, hơn hai năm nay DN đã đưa vào sử dụng HĐĐT giúp giảm chi phí đáng kể, tiết kiệm thời gian làm các hóa đơn, chứng từ.
Nhưng do chưa quen nên DN không tránh khỏi sai sót trong quá trình phát hành HĐĐT, mỗi lần như vậy thủ tục sửa chữa khá phức tạp, như muốn hủy hóa đơn phải có sự xác nhận của cơ quan thuế địa phương sau khi đã trải qua quá trình giải trình rất mất công.
Phía doanh nghiệp vẫn chưa thông
Theo quy định tại thông tư 32, muốn khởi tạo HĐĐT thì DN phải đáp ứng hàng loạt điều kiện, trong đó yêu cầu có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán...
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng không phải DN nào cũng đáp ứng được điều kiện này. Có DN chỉ có một trong hai phần mềm, hoặc có cả hai nhưng hai hệ thống này lại không kết nối được với nhau nên không đủ điều kiện áp dụng HĐĐT.
DN còn một "cửa" dễ hơn là căn cứ theo nghị định 119 quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Theo đó chỉ cần phần mềm in hóa đơn là có thể phát hành HĐĐT. Thế nhưng muốn phát hành HĐĐT phải thực hiện đăng ký trên hệ thống của Tổng cục Thuế. Nhưng hiện nay Tổng cục Thuế chưa tải mẫu đăng ký lên nên DN cũng... bế tắc.
Chưa hết, với những DN đã chuyển sang sử dụng HĐĐT vẫn phải in song song chứng từ bằng giấy để đi đường, vì lo bị "ách" lại nếu không có hóa đơn.
Theo quy định, khi cần kiểm tra hàng trên đường, người có thẩm quyền phải truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT. Nhưng ở trường hợp không tra được do yếu tố kỹ thuật hay bất khả kháng lại quy định rất lòng vòng, khó biết phải thực hiện thế nào.
Tại buổi đối thoại giữa các DN và lãnh đạo Cục Thuế TP tuần qua, nhiều DN lo các hóa đơn tiếp khách nếu nhà hàng không liệt kê chi tiết món ăn, mà chỉ ghi nội dung chung là chi phí ăn uống hoặc tiếp khách kèm bảng kê chi tiết món ăn sẽ không được tính vào chi phí được trừ do quy định buộc phải ghi chi tiết. Trong khi DN yêu cầu thì bên bán không đáp ứng.
Nhiều DN không đồng tình với trả lời của cơ quan thuế rằng "khi người bán lập hóa đơn danh mục hàng hóa không thể hiện chi tiết danh mục hàng hóa trên hóa đơn thì nhất quyết không nhận", vì cho rằng hiện nay các nhà hàng đều bị vướng vấn đề này. Các DN cũng đề nghị cơ quan thuế không nên cứng nhắc.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM, cho rằng cơ quan thuế không nên quá chi tiết. "Quan điểm là chính sách phải phục vụ cuộc sống, nên bắt con cá lớn chứ đừng bắt con cá nhỏ. Quá chi tiết không chỉ khổ cho người bán mà khổ cho cả người mua" - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa chỉ thêm một "lỗ hổng": chỉ cần vốn pháp định 3 tỉ đồng là có thể thành lập đơn vị cung cấp HĐĐT. Sau 2 - 3 năm, các đơn vị này phá sản thì toàn bộ dữ liệu hóa đơn của DN sẽ ra sao, trong khi quy định DN phải lưu trữ hóa đơn tối thiểu 10 năm?
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận