Samsung và kỳ vọng về 'cảnh giới mới' sau 10 năm thống lĩnh thị trường
Từng “phá ngang” ngành smartphone trong quá khứ, Samsung đã phần nào chứng minh được thành tích tiếp theo với thế hệ thứ 10 của mình.
- 9 lý do nên mua Samsung Galaxy S10 thay vì Galaxy Note 10
- Rỏ rì hình ảnh điện thoại Samsung Galaxy S11 có 5 camera ở mặt sau
- "Mổ ruột" soi nội thất Samsung Galaxy Note10 + 5G
- Lợi nhuận quý III/2019 của Samsung đạt hơn 53 tỷ USD
Trong giới công nghệ, disrupt có thể coi là một trong những từ khóa quan trọng nhất, bởi nó tóm lược gần như mọi thành công của các công ty hàng đầu từ trước tới nay. Không đơn giản là "gián đoạn" như nghĩa đen của nó, disrupt thực tế chỉ một hành động, sản phẩm, công nghệ đã làm "đứt gãy" toàn bộ ngành mà nó tham gia, và khiến mọi thứ phải thay đổi theo.
Một trong những yếu tố khác biệt của những sản phẩm disrupt thị trường là cách làm hoàn toàn mới so với những sản phẩm trước đó, từ đó ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Sản phẩm này cần phải tạo được động lực và sự hấp dẫn đủ lớn để khiến mọi đối thủ phải thay đổi theo.
Nói cách khác, những sản phẩm disrupt thị trường sẽ gần như khép lại chương cũ và mở ra một chương mới. Uber chính là những người đầu tiên đưa ra khái niệm "gọi xe", từ đó tạo cảm hứng cho một loạt dịch vụ trong nền kinh tế chia sẻ, dù vậy Uber sau khi đến Đông Nam Á đã phải nhường chỗ cho những sản phẩm ra đời sau nhưng năng động hơn như Grab.
Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận những công ty disrupt một thị trường vốn có và tạo ra một thị trường mới.
Galaxy Note, biểu tượng disrupt ngành smartphone
Tuy từng làm điện thoại từ năm 1988, Samsung lại là một tay chơi tham gia thị trường smartphone khá muộn. Chiếc điện thoại Android đầu tiên của hãng ra đời vào năm 2009, nửa năm sau khi Android bắt đầu đổ bộ lên điện thoại. Tuy nhiên Samsung lại đi khá nhanh khi liên tục đưa ra những mẫu máy cao cấp. Chỉ 1 năm sau, hãng đã giới thiệu Galaxy S thế hệ đầu tiên, và sau đó 1 năm là Galaxy Note.
Dù sinh sau đẻ muộn, Galaxy Note lại hội tụ đủ những yếu tố của một sản phẩm disrupt thị trường. Thời điểm đó, phần lớn smartphone chỉ có màn hình trên 3 inch, và chiếc Galaxy Note có thể coi là một "gã khổng lồ" với màn hình tới 5.3 inch. Khi ấy, người ta đã có khái niệm riêng để chỉ những thiết bị màn hình rộng: máy tính bảng (tablet). Galaxy Note khiến những trang tin công nghệ đình đám nhất cũng phải đau đầu để phân loại.
Nhiều trang tin chế nhạo, chê bai kích thước của Galaxy Note. Tuy nhiên, họ đã không nhận ra nhu cầu của người dùng mà những đơn vị nghiên cứu của Samsung đã nhìn thấy: màn hình lớn, hiển thị rõ, nhiều nội dung, và tương tác dễ hơn.
Với kích thước lớn, Galaxy Note có thể hiển thị nhiều nội dung hơn bao giờ hết. Người dùng không còn phải cố gắng nhìn vào những hàng chữ bé li ti trên màn hình, mà có thể thoải mái phóng to ra. Về phần tương tác, Samsung quyết định quay lại một thiết kế vừa bị loại bỏ vài năm trước: chiếc S Pen. Thế nhưng S Pen của Samsung là một chiếc bút có độ chính xác rất cao, có thể dùng để viết, vẽ những chi tiết mà ngón tay không làm được.
Bằng cách cung cấp cho người dùng đúng những gì họ cần nhưng chưa ai dám làm hay thậm chí nghĩ đến, Samsung đã hoàn toàn thay đổi thế giới với Galaxy Note. Sau Note, thị trường smartphone không còn quay lại với smartphone cỡ nhỏ nữa, tất cả đều dịch chuyển. Galaxy Note rõ ràng là một biểu tượng của sản phẩm disrupt cả một thị trường.
Nhà sản xuất không bao giờ dừng lại
Nếu chỉ thay đổi thị trường smartphone với sản phẩm duy nhất, có lẽ Samsung đã không đạt được vị thế ngày hôm nay. Sau Galaxy Note, công ty Hàn Quốc biết rằng họ đang có lợi thế, nhưng cũng cần phải thay đổi liên tục. Họ đã làm gián đoạn và thay đổi thị trường, nhưng không thay đổi cũng có nghĩa là chết.
Suốt gần 10 năm lịch sử, Samsung luôn cho thấy khả năng thúc đẩy sự tiến hóa của dòng sản phẩm Galaxy. Từ thiết kế, hiệu năng, khả năng chụp ảnh, pin và những tính năng tiện dụng, dòng Galaxy luôn được cập nhật để đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của người dùng.
Xuyên suốt hành trình đó, có thể nhận ra triết lý không thay đổi của Samsung: đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đến nay, Galaxy Note vẫn là dòng sản phẩm đáp ứng hài hòa nhất những nhu cầu cơ bản, từ hiệu năng, máy ảnh, màn hình đến pin.
Nhìn sâu hơn, Samsung làm được điều này nhờ nền tảng công nghệ rất vững. Samsung là công ty hiếm hoi sở hữu đầy đủ quy trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất phần lớn các linh kiện trong điện thoại. Điều đó giúp cho họ dễ dàng nắm bắt được những bước tiến về công nghệ. Mỗi năm, Samsung bỏ ra hơn 10 tỉ USD để nghiên cứu và phát triển, thường xuyên nằm trong top 5 công ty bỏ nhiều chi phí nghiên cứu nhất.
Sau 10 năm, Samsung dường như đã sẵn sàng viết nên một chương sử mới trong ngành smartphone. Thiết kế smartphone ngày càng hướng tới chuẩn "tràn màn hình", và màn hình Infinity-O Display trên Note10 chính là ví dụ cho thấy Samsung vẫn đang sáng tạo như thế nào.
Bên cạnh đó, hãng cũng sẵn sàng cho kỷ nguyên kết nối mới với 5G và WiFi 6, những tiêu chuẩn kết nối cho thập niên tiếp theo. Đây sẽ là những chìa khóa cho xu hướng Vạn vật kết nối (IoT), một tương lai toàn cảnh mà Samsung xây dựng với cả hệ sinh thái sản phẩm của mình.
Với triết lý luôn đáp ứng nhu cầu người dùng, cùng nền tảng công nghệ hàng đầu, Samsung là một điển hình của những disruptor trong ngành công nghệ. Không chỉ tiên phong, họ còn luôn tìm cách thay đổi và "phá" những giá trị đang có để tạo ra giá trị mới, thay đổi hoàn toàn thị trường.
Sau 10 năm, Samsung vẫn đang tiếp tục hành trình "disrupt" công nghiệp smartphone, như những gì mà họ đã làm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận