Báo chí trong thời đại 4.0 đang đi tìm mô hình kinh tế mới để tồn tại và phát triển
Với bối cảnh sự phát triển của hệ sinh thái truyền thông số, báo chí đang đối mặt với những hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại và phát triển để tìm ra mô hình kinh tế mới cho mình.
- ATC 2019: Xu hướng công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên số
- AI - Chìa khoá vạn năng mở cửa tương lai công nghệ Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử
Sáng 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ" với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí; các chuyên gia; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, marketing, quảng cáo.
Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, cơ quan báo chí, doanh nghiệp CNTT đưa ra các giải pháp phát triển ngành báo chí Việt Nam; đồng thời khởi động thực hiện Sáng kiến "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024".
Công nghệ tạo cuộc chơi mới trong lĩnh vực báo chí
Đến dự và phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động rất mạnh, đặt cho báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại, phát triển. Vì thế, quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.
Bộ trưởng cho rằng Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông - CNTT và các doanh nghiệp công nghệ số chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà và vì sự phát triển của chính mình.
Chọn nghề báo là đã chọn cho mình một sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Làm báo là nghề có các tiêu chuẩn cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm, tính minh bạch.
Thông qua Diễn đàn, Bộ trưởng hy vọng các phóng viên, nhà báo sẽ có thêm tri thức hữu ích cho nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Toàn cảnh phiên họp của Diễn đàn Báo chí và Công nghệ.
Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc dẫn chứng: Hiện ở Việt Nam, nhiều tòa soạn đang rất nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động của mình và phát hành đến độc giả những khai thác dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý bài viết riêng biệt theo sở thích, thói quen của từng độc giả; ví dụ như Zing, Vnexpress hay chatbot của VietnamPlus...
Hiện nay, một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo rất phát triển trong tương lai gần, đó là trí tuệ nhân tạo, phóng viên robot, trợ lý riêng kích hoạt giọng nói, tìm kiếm hình ảnh và thực tế ảo... các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao theo tình hình thực tế.
Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp cho báo chí có thêm tương tác, phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng traffic cho báo...
AI sẽ là tương lai của báo chí
Chia sẻ thông tin về vai trò của truyền thông báo chí với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng nhận định: Các cơ quan báo chí và truyền thông là một trong những nơi có nhiều thông tin, với các thông tin cập nhật nhất, do vậy đây sẽ luôn là đích ngắm của các "tin tặc".
Bên cạnh đó, với hàng chục triệu độc giả tiếp cận hàng ngày với các luồng thông tin khác nhau, báo chí, truyền thông cũng là kênh dễ dàng nhất để "tin tặc" tấn công nhằm xuyên tạc nội dung, hay phát tán thông tin vi phạm pháp luật.
Tương tự, với số lượng lớn độc giả truy cập cũng như mức độ "đáng tin cậy" cao, báo chí, truyền thông cũng là kênh phát tán mã độc tốt nhất, nhanh nhất của "tin tặc". Thực tế cho thấy hơn 80% các nguy cơ, rủi ro bị tấn công mạng đến từ người sử dụng internet.
Các cơ quan báo chí ngày càng áp dụng nhiều công nghệ khác nhau, việc phụ thuộc công nghệ sẽ đi kèm với việc đề ra các giải pháp an toàn thông tin, do vậy việc bảo đảm an toàn thông tin cũng cần song hành với quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, truyền thông.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Báo chí, truyền thông cần truyền đi thông điệp để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho độc giả; đồng thời cần phối hợp, đồng hành cùng các công ty công nghệ chuyên nghiệp trong việc áp dụng và bảo đảm an toàn thông tin.
Thống kê của Cục An toàn thông tin về thông tin an toàn thông tin, an minh mạng trên báo chí cho thấy, hiện nay có khoảng 60% thông tin chỉ tập trung vào các nguy cơ, rủi ro, các sự vụ mất an toàn thông tin; 20% thông tin tập trung đưa tin các sự kiện về an toàn, an ninh mạng; 20% thông tin đề cập đến các hướng dẫn, khuyến nghị cụ thể hỗ trợ người sử dụng internet an toàn hơn.
Để báo chí đưa thông tin về an toàn thông tin, an ninh mạng chính xác, ông Nguyễn Huy Dũng đưa ra khuyến cáo đối với các cơ quan báo chí cần xác minh thông tin trước khi đăng tải nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghệ; tìm hiểu, xác minh các số liệu công bố sao cho bảo đảm chính xác nhất.
Đặc biệt, khi đưa các thông tin liên quan đến cảnh báo trong lĩnh vực CNTT, báo chí cần xem xét mức độ, uy tín của nguồn cung cấp thông tin và tác động của cảnh báo đó ảnh hưởng đến độc giả như thế nào...
Tại diễn đàn, nhiều diễn giả đã trình bày các tham luận liên quan đến lĩnh vực báo chí và công nghệ như: Báo chí sẽ có chiến lược nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói; ứng dụng Al trong truyền thông hiện đại; các mô hình công nghệ giúp cải thiện hoạt động báo chí và kinh tế báo chí; báo chí 4.0: nội dung là vua, traffic và công nghệ là nữ hoàng...
Mang đến Diễn đàn một ví dụ thực tế áp dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: Ra mắt từ ngày 13/11/2018, ứng dụng chatbot của VietnamPlus đã đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong báo chí.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận "Báo chí sẽ có chiến lược nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói?"
Theo đó, việc sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo, chatbot của VietnamPlus có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy.
Người dùng có thể lựa chọn theo các chủ đề tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói. Mới đây, ứng dụng này đã được trao "Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn" của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA).
Giới thiệu về các thiết bị kích hoạt giọng nói hiện đại đang được áp dụng trên thế giới, ông Lê Quốc Minh khẳng định: Các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói được dự báo sẽ trở thành những "cửa ngõ" quan trọng để tiếp cận nội dung giải trí cũng như thông tin, kiến thức.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận