Nhà đầu tư “vỡ trận” với app kiếm tiền Pchome
Sau khi ứng dụng giật đơn Pchome sập, nhiều nhóm nhà đầu tư đã tập hợp đệ đơn tố cáo đến cơ quan công an, người ít thì mất vài chục triệu đồng, nhiều thì đến cả tỷ đồng.
- Android: Hàng triệu người dùng có thể bị tấn công lừa đảo qua lỗ hổng của giao thức OTA
- Cơn sốt đào tiền ảo Pi tiểm ẩn những nguy hiểm nào ?
- Cảnh báo : Facebook lại ngập tràn bình luận spam link giả web đen, clip sex để lừa đảo
Sau khi ứng dụng giật đơn Pchome sập, nhiều nhóm nhà đầu tư đã tập hợp đệ đơn tố cáo đến cơ quan công an, người ít thì mất vài chục triệu đồng, nhiều thì đến cả tỉ đồng.
Hàng nghìn người đang phải đối mặt với nguy cơ mất tiền vì đã trót tham gia vào ứng dụng "giật đơn hàng" ảo PChome. Bởi cách đây vài ngày, ứng dụng này đã khóa tài khoản của người tham gia và hiện nay ứng dụng đã sập hẳn, không còn truy cập được.
Pchome được quảng cáo là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài và trong nước như Amazon, Tiki, Shopee,... để nhận hoa hồng. Muốn vậy, người tham gia phải bỏ tiền thật để mua các gói từ 350.000 nghìn đồng đến 200 triệu đồng.
Ngay khi giật đơn thành công, tiền hoa hồng sẽ chảy về tài khoản với tỉ lệ 3,5%/ngày, tức 105%/tháng. Mỗi ngày có thể giật 40 đơn. Chưa hết, sau một tháng, nhà đầu tư sẽ được nhân đôi tài khoản.
Một màn hình giao dịch của PChome.
Để lời quảng cáo thêm tính thuyết phục, những kẻ đứng sau ứng dụng Pchome còn thuê các YouTuber quay hàng loạt video, giới thiệu và hướng dẫn nhà đầu tư tham gia. Chưa kể, chúng còn đánh thẳng vào tâm lý ham muốn “việc nhẹ lương cao” của nhiều người, không bắt buộc thời gian làm việc, thu nhập ổn định, “chỉ 15 phút có ngay 50.000 đồng”, rút tiền bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, theo VTV, các sàn thương mại điện tử được Pchome đưa tên đều không ký hợp đồng nào với ứng dụng này, đồng nghĩa với việc giật đơn nhận hoa hồng là phi thực tế và không có tính pháp lý.
Đầu tháng 3, chị Vân ở Hải Phòng, được một người bạn giới thiệu đến PChome. Ngày 14/3, chị cùng bốn người bạn bắt đầu dồn tiền nạp vào ứng dụng để "giật đơn". Thấy chỉ mất chút thời gian mà lại kiếm được tiền triệu mỗi ngày, chị Vân càng ham.
Sau gần một tháng hoạt động, nhóm chị Vân được công nhận là "khách VIP" và được gửi giấy mời tham dự sự kiện ở một khách sạn lớn tại Hà Nội vào cuối tháng. "Thấy giấy mời có thông tin, địa chỉ rõ ràng nên chúng tôi tin ngay. Không ngờ đây là những chiêu trò để vơ vét cuối cùng của nhóm lừa đảo", chị Vân nói.
Tính đến thời điểm app "sập", nhóm của chị Vân đổ vào đó hơn 1,2 tỉ đồng. Nhóm đã làm đơn trình báo công an nhưng vẫn lo sợ người thân biết chuyện, chê cười.
Theo nhiều người chơi, PChome hoạt động từ tháng 12/2020 và là một ứng dụng tồn tại lâu nhất so với các app kiếm tiền online khác. Thời gian đầu, PChome chi trả tiền hoa hồng bình thường nhưng đến ngày 14/4, ứng dụng bắt đầu ngưng thanh khoản. Ba ngày sau, PChome đưa ra ưu đãi hấp dẫn là nhân đôi tiền nạp để khuyến khích các nhà đầu tư nạp thêm tiền.
Khi người dùng thắc mắc về việc không rút được tiền, admin giải thích đang "báo danh đại hội và kiểm kê tài sản, sàng lọc chọn ra thành viên cấp cao". Ngày 17/4, ứng dụng chính thức "sập" với lý do được giải thích là "người truy cập quá nhiều".
Người chơi lúc này còn được các admin đề nghị nạp tiếp 30% tổng giá trị số tiền đang có trong tài khoản để khôi phục ứng dụng. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, người chơi lập tức dừng giao dịch. Các admin dần biến mất sau đó.
Ngày 13/5, đại diện Cục Cảnh sát hình sự và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã nhận được đơn của nhiều nạn nhân và đã chuyển đến công an các địa phương để điều tra theo thẩm quyền.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận