Chia sẻ về Jabra Elite 10 sau 2 tuần trải nghiệm
Khi trao đổi với nhiều người, mình thấy hầu hết mọi người đều sử dụng nhiều hơn một chiếc tai nghe. Và khi được hỏi lý do thì câu trả lời của đại đa số đều là vì không có một chiếc tai nghe cho tất cả mọi hoàn cảnh, mọi nhu cầu và mọi loại nhạc.
Hiện thị trường tai nghe đang được chia làm 4 dòng phổ biến, đó là tai nghe In-ear (là dạng tai nghe nhét tai), tai nghe Earbuds (là dạng tai nghe nhét tai với phần loa bám vào vành tai vào có một phần được thò ra bên ngoài), tai nghe Over-ear (hay còn được gọi là tai nghe trùm đầu với phần chụp tai phủ kín đôi tai) và On-ear (là kiểu tai nghe có tính di động cao với phần chụp tai được thiết kế gọn hơn).
Dựa trên các kiểu thiết kế tai nghe này mà người nghe có thể lựa chọn cho mình một chiếc tai nghe phù hợp với nhu cầu sử dụng, với túi tiền và với môi trường mà bạn thường xuyên tiếp xúc. Ví dụ bạn không thể sử dụng tai nghe trùm đầu khi nằm trên giường hoặc khi đi ra ngoài đường, bởi đây là dòng tai nghe phù hợp cho các chuyến di chuyển, khi ngồi trên các phương tiện giao thông hoặc khi bạn ngồi chơi game, trong phòng xem film với máy tính hoặc TV. Đổi lại khi bạn cần một không gian riêng tư giữa chốn văn phòng hay quán cafe, đừng quên sử dụng một chiếc tai nghe In-ear. Tai nghe Earbuds thì được sử dụng nhiều hơn giữa các chuyến di chuyển và đây cũng là dạng tai nghe được sử dụng phổ biến nhất vì có phần nhét tai nhỏ gọn hơn so với dòng In-ear nên có thể đeo và sử dụng trong nhiều giờ.
Chung chung là vậy, nhưng nhu cầu sử dụng tai nghe của mỗi người là khác nhau, sở thích nghe cũng khác nhau. Ví dụ mình thường nghe podcast vào buổi sáng hoặc tối, nghe nhạc khi ngồi trên xe ô tô hay máy bay. Cũng chính vì nhu cầu nghe mang tính cá nhân nên mình thường sử dụng tai nghe và đó cũng chính là lý do mình cần một chiếc tai nghe thật sự êm ái, trong trẻo, có thể nghe trong thời gian dài mà vẫn mang đến sự thoải mái.
Dòng tai nghe Elite của Jabra đã ra mắt đến thế hệ thứ 10, tức là nó đã có đủ thời gian để hiểu và cải tiến theo nhu cầu của người dùng. Và chính sự bền bỉ, liên tục ấy mà ít nhiều cho thấy chất lượng cũng đã được cải thiện tốt dần lên. Ở lần trải nghiệm này mình sử dụng chiếc tai nghe Elite 10, và ngay lần đầu mình đã chợt nghĩ “ồ nó thật sự là chiếc tai nghe để nghe podcast mà bấy lâu nay mình tìm kiếm.”
Thật sự là chất âm rất trong trẻo, mình chưa thử nghe với nhiều thể loại nhạc khác, nhưng khi nghe podcast và các bản nhạc pop ballad thì mình không còn đòi hỏi gì thêm. Khi xem đánh giá từ các trang công nghệ khác, mình thấy mọi người cũng đã thử qua nhiều dòng nhạc khác nhau. Mình cũng xin note một vài đánh giá từ các trang công nghệ này để các bạn có thể tham khảo.
Trên trang GenK, tác giả Mr.Đức cho biết: “Với Elite 10 thì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu âm trầm, vì phần này được thiết kế để làm chiều lòng những bass-head. Trong bài Like That của Future, Metro Boomin, Kendrick Lamar, những âm trống dồn dập có lượng dồi dào, nhấn mạnh và cũng thường 'kéo đuôi' một chút chứ không ngắt ngay lập tức.”
Tác giả bài viết cũng đồng thời kết luận: “Với Elite 10, tai nghe đẩy mạnh phần trung thấp (low-mid) trong khoảng 200 - 500Hz hơn là high-mid, nên giọng ca sĩ sẽ có cảm giác trầm ấm, dày dặn và 'ngọt' hơn so với thực tế. Kiểu âm của Elite 10 lại rất hợp với việc sử dụng ngoài đường có nhiều tiếng ồn, vì kể cả với ANC thì tiếng ồn môi trường cũng sẽ làm giảm cường độ của dải trầm và cao xuống, tạo thành kiểu âm cân bằng hơn. Những tai nghe đã tự nhiên sẵn rồi và đem ra ngoài đường sẽ ra kiểu âm rất mỏng, khó nghe.”
Về cơ bản thì hầu hết những chiếc tai nghe true wireless đều có khả năng kết nối Bluetooth rất tiện lợi, chỉ có điều một số tai nghe sẽ cho bạn kết nối với vài thiết bị đồng thời, tức là bạn hoàn toàn có thể kết nối tai nghe với cả smartphone, với máy chơi game cầm tay, với laptop hay tablet/ iPad. Tuy nhiên với đa số các tai nghe thông thường thì khi cần kết nối với một thiết bị khác, bạn sẽ phải ngắt kết nối với thiết bị đang dùng, và Elite 10 cũng vậy.
Bạn có thể tham khảo thêm tại đây
Một đánh giá khác mà theo mình người dùng cũng rất nên tham khảo, đó chính là bài đánh giá chi tiết trên Diễn đàn Tinh tế. Tại đây, tác giả bài viết là AudioPsycho có nhấn mạnh ý này cũng rất hay: “Elite 10 có công nghệ chống ồn thích ứng (adaptive noise cancelling) của Jabra và chế độ nghe xuyên âm HearThru, có thể điều chỉnh giúp bạn nghe được âm thanh bên ngoài. Tuy nhiên, bạn không nên mua tai nghe này nếu mong đợi chúng giảm tiếng ồn bên ngoài hiệu quả gần bằng AirPods Pro 2, Sony WF-1000XM5 hoặc Bose QuietComfort Earbuds 2. Nói cách khác, chúng có khả năng giảm tiếng ồn xung quanh tốt hơn mong đợi, nhưng hiệu quả chỉ ở mức độ nhất định. Có lẽ đây là một phần của thiết kế bán mở, nhưng có lẽ vì thiết kế này nên âm thanh của Elite 10 tạo ra cũng khác biệt nhiều so với Elite 8 Active hay tai nghe Jabra nói chung.”
Mình cũng đã từng trải nghiệm qua AirPods Pro 2 và Sony WF-1000XM5, thì cảm nhận chung là khả năng chống ồn của Elite 10 theo một kiểu hơi khác. Tức là khi bạn bật tính năng chống ồn thì bạn vẫn có thể nghe tiếng người bên cạnh nói gì đó với bạn, mình cũng vẫn nghe thấy tiếng trẻ con nói cười khi bay trên các chuyến bay gần đây với Elite 10, nhưng tiếng ồn đó thật sự không còn gây nên cảm giác khó chịu nữa, tức là nó rất nhẹ và cũng giúp bạn không tách rời hoàn toàn khỏi thế giới xung quanh.
Và đây là phần kết luận trên bài đánh giá của Tinh tế mà các bạn rất nên tham khảo nếu định tìm hiểu kỹ hơn về Elite 10. “Elite 10 là một dòng tai nghe hoàn toàn khác biệt. Nếu chúng có tiền thân thì đó là Elite 85t, vốn cũng có thiết kế bán mở (semi opened). So với Elite 8 Active, Elite 10 không chỉ mang lại cảm giác đeo thoải mái hơn và thiết kế đẹp hơn mà còn cho chất lượng âm thanh tốt hơn, khả năng chống ồn vượt trội đáng kể cùng với Dolby Spatial Audio và Headtracking để xem phim, chơi game.”
Chi tiết bài đánh giá bạn có thể tham khảo thêm tại đây
Theo đánh giá chung của mình thì Elite 10 là một chiếc tai nghe đẹp, nó cũng có rất nhiều màu sắc để bạn lựa chọn, bản mà mình trải nghiệm là bản màu đỏ rượu, nó rất khác biệt, khá điệu đà và mình thích điều đó.
Mặc dù được định hướng là dòng tai nghe dành cho người chơi thể thao nhưng Elite 10 hoàn toàn không có vẻ ngoài hầm hố, bộ màu sắc của nó cũng chẳng có vẻ gì là sport cả. Bù lại, Elite 10 có thêm phím bấm vật lý giúp thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi đang chơi thể thao, lúc tay có thể dính nhiều mồ hôi. Bên cạnh đó, Elite 10 cũng được trang bị khả năng chống nước và bụi IP57 cho riêng tai nghe, chuẩn IP54 cho riêng hộp sạc. Với các thông số này, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng tai nghe dưới nước trong khoảng 30 phút, tức là bơi lội hoặc chạy trong mưa mà không phải lo lắng gì. Hộp sạc cũng có thể dính nước, hoặc khi mở ra cất tai nghe ngay cả khi tay ướt hay trời đang mưa mà vẫn hoàn toàn yên tâm.
Hộp sạc cũng được thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng, dù không có điểm nhấn gì nhưng khá sạch vì ít bám dấu vân tay. Jarba cho biết, Elite 10 có thể cho 6 giờ khi sử dụng ANC, 8 giờ nếu tắt ANC và 27 giờ khi sử dụng cùng hộp sạc. Đây rõ ràng là thông số ấn tượng trong phân khúc. Elite 10 được trang bị Bluetooth 5.3, đi cùng với công nghệ Google Fast Pair, Swift Pair và Spotify Tap, giúp kết nối nhanh với thiết bị Android và Windows, tương thích với Bluetooth LE Audio, có hỗ trợ codec LC3, LC3plus, AAC và SBC. Tức là bạn hoàn toàn có thể sử dụng Elite 10 với laptop, với iPad hay tablet chạy nền tảng Android dễ dàng.
Với giá bán tầm 6-7 triệu đồng, chúng ta thật sự có rất nhiều lựa chọn đáng giá, tuy nhiên, cũng như mình đã nói ở trên, tai nghe là thứ mà nó mang tính cá nhân hóa khá cao, vì thế nó có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia, nó phù hợp với hoàn cảnh này, dòng nhạc này, nhưng lại không thích hợp khi nghe các dòng nhạc khác hay điều kiện môi trường khác. Chính vì thế, hãy thử tham khảo, biết đâu bạn cũng sẽ nhận thấy một sự phù hợp nào đó với Elite 10 giống như mình.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng