Chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới của Inoue
Juke 8, máy karaoke đầu tiên của thế giới, sẽ đón sinh nhật thứ 50 vào năm tới. Sự xuất hiện của karaoke đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều người, thỏa mãn ước mơ muốn hát của đại chúng dù rằng không phải lúc nào cũng lọt tai người nghe.
Ông Inoue và chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới. Ảnh: AFP
Nếu đăng ký bản quyền Juke 8, ông Inoue có thể đã kiếm được ít nhất 100 triệu USD tiền bản quyền chỉ tính riêng trong năm 2019, theo báo South China Morning Post (SCMP).
"Tôi nghĩ phát minh phải là một thứ gì đó ghê gớm lắm, với mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. Tôi chỉ lắp ráp các linh kiện điện tử có sẵn vào lúc đó nên chưa bao giờ tôi nghĩ karaoke là một phát minh", ông Inoue giãi bày.
Ở tuổi 80, ông Inoue chia sẻ mình chưa bao giờ hối tiếc vì đã không đăng ký bản quyền cho phát minh của mình. Thay vào đó, ông vui vẻ kể lại câu chuyện đã tạo ra máy karaoke ra sao.
Inoue từ bỏ công việc văn phòng sau 8 tháng dù rất vất vả để có được một tấm bằng đàng hoàng. Chàng trai trẻ theo đuổi đam mê và trở thành một tay trống trong một ban nhạc dù chẳng thể đọc được nốt nào trên bản nhạc.
Inoue nói đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhưng ông dần nhận ra sẽ chẳng thể nào trở thành một người có tầm ảnh hưởng cho dù là một tay trống giỏi.
Một ngày nọ, một doanh nhân ở Kobe đến gặp Inoue và yêu cầu ban nhạc của ông chơi một số bài tủ của mình và thu âm chúng để mang về luyện tập cho một bữa tiệc công ty.
Inoue đã nảy ra ý tưởng kinh doanh từ đó: tạo ra một máy phát giai điệu các bài hát phổ biến, ai muốn sử dụng phải bỏ tiền xu vào.
Với 425 USD, máy karaoke đầu tiên tên Juke 8 đã ra đời sau 2 tháng. Ban nhạc của Inoue bắt tay vào việc thu âm các bài hát phổ biến. Ít ai biết danh mục karaoke đầu tiên chỉ có 300 bài.
Karaoke là một từ ghép của chữ kara - nghĩa là không và oke là ban nhạc, dàn nhạc. Hát karaoke nghĩa là hát mà không cần ban nhạc chơi nhạc đệm. Thời điểm đó, ở thành phố Kobe nơi Inoue sinh sống, mọi người đều quen với việc hát có ban nhạc chơi nhạc sống, chưa ai nghĩ đến việc thu âm.
Các thế hệ máy karaoke ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp, đôi khi gây ra những tình huống khó chịu nhưng Inoue hi vọng phát minh của ông có thể giúp những người bị trầm cảm vượt qua khủng hoảng. Ảnh: AFP
Năm 1971, Juke 8 được tung ra thị trường nhưng ế chỏng chơ vì quá lạ. Inoue thuyết phục được chủ 10 quán bar cho đặt máy karaoke sử dụng tiền xu. Một thời gian sau, ông quay lại nhưng chỉ được nghe những lời than phiền rằng chẳng ai muốn sử dụng chúng.
Không nản lòng, Inoue đã thuê những cô gái xinh đẹp và hấp dẫn nhất đến xài thử máy karaoke. "Mưu đồ của tôi thành công không ngờ được. Chỉ sau một ngày, không ai chịu bỏ micro xuống. Tới cuối năm đó, tôi đã đặt Juke 8 tại hơn 200 quán bar, cơ sở kinh doanh đồ uống ở Kobe", ông Inoue nhớ lại.
Trong vài năm sau đó, cả Nhật Bản lên cơn sốt vì Juke 8. Doanh thu của Công ty Inoue lên tới 100 triệu USD mỗi năm. Tiền trong ngân hàng cứ tăng lên nhưng Inoue không còn cảm thấy vui vẻ và mệt mỏi vì sự giàu có nhanh chóng. Ông bỏ đi và giao lại quyền điều hành cho hai con trai.
Vài năm sau đó, khi tâm lý đã nguôi ngoai, một trong những việc ông Inoue làm là mua một mảnh đất trống và xây dựng trung tâm dưỡng lão dành cho chó đầu tiên của Nhật Bản. "Đó là cách tôi cảm ơn Donbei, chú chó đã giúp tôi vượt qua giai đoạn trầm cảm", cha đẻ máy karaoke chia sẻ.
Năm 2004, Inoue được trao giải Ig Nobel - một giải thưởng nhằm tôn vinh những thành tựu “đầu tiên khiến mọi người cười phá lên, nhưng sau đó khiến họ phải suy nghĩ”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận