Có hay không việc Apple chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam?
Trang việc làm của Hãng Apple đang thông báo tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự làm việc tại TP.HCM và Hà Nội, làm dấy lên nghi vấn hãng điện thoại hàng đầu thế giới có thể sắp mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
- Apple bồi thường 500 triệu USD vì làm chậm iPhone cũ
- Apple "cấm cửa" với ứng dụng liên quan đến thuốc lá điện tử
- Apple thiết kế lại ứng dụng Camera giúp điều chỉnh nhanh thao tác quay video chất lượng
Một cửa hàng bán sản phẩm của Apple tại TP.HCM. Ảnh: Đức Thiện
Liên tục tuyển dụng
Trên trang việc làm của Apple, hãng này liên tục đăng các tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội, TP.HCM từ cuối năm 2019 đến nay. Những vị trí đăng tuyển dụng gồm: kỹ sư vận hành hệ thống và chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm, phần cứng; trợ lý quản trị; quản lý kinh doanh và phát triển...
Thông báo tuyển dụng mới nhất cho vị trí kỹ sư chất lượng màn hình được đăng ngày 28-4-2020. Các thông báo tuyển dụng đều nêu rõ yêu cầu công việc, kỹ năng cần có cho các vị trí tuyển dụng cũng như những lợi thế về mặt kinh nghiệm... Nơi làm việc là tại Hà Nội hoặc TP.HCM.
Việc Apple tuyển dụng nhân sự nhiều bộ phận làm việc làm dấy lên dư luận "quả táo cắn dở" có thể mở nhà máy sản xuất toàn phần hoặc một phần hoặc cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, tuyển dụng của Apple có cả vị trí liên quan đến quan hệ chính phủ và quản lý vận hành hệ thống. Điều này cũng khiến nhiều người nghĩ ngay đến chuyện Apple sẽ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Chưa chắc chắn khả năng
Đánh giá khả năng Apple chuyển nhà máy sản xuất về Việt Nam trong tương lai, PGS.TS Lê Hoài Quốc, nguyên trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng "hoàn toàn có khả năng".
Theo ông Quốc, với tình hình chiến tranh thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, việc các công ty Mỹ giảm bớt mức độ "phụ thuộc" vào các công ty tại Trung Quốc là điều dễ hiểu. Hơn nữa, về vị trí địa lý, Việt Nam lại ở sát bên Trung Quốc nên việc dịch chuyển sản xuất nếu có sẽ giảm thiểu chi phí cũng như không làm "đứt gãy" chuỗi cung ứng linh kiện hiện nay của Apple.
Bên cạnh đó, theo ông Quốc, Việt Nam cũng đã có một số công ty sản xuất, gia công linh kiện cho một số sản phẩm của Apple. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã mở cửa với rất nhiều ưu đãi cho các công ty tầm cỡ trên thế giới đầu tư, như Samsung.
Tuy nhiên, qua trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng khả năng Apple mở nhà máy tại Việt Nam là không dễ xảy ra. Theo tổng hợp từ nhiều ý kiến, việc Apple đăng tuyển dụng làm việc tại Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm trước chứ không chỉ riêng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Việc mở nhà máy cũng cần tuyển dụng nhân sự ở cấp độ "khủng khiếp" hơn rất nhiều lần so với chỉ hơn 10 vị trí mà Apple đang đăng tuyển...
Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh khả năng Apple chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất sang Việt Nam nếu có cũng khó có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Bởi Trung Quốc cũng có rất nhiều ưu đãi về đất đai, chi phí. Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, Apple đương nhiên không muốn việc dịch chuyển nhà máy ảnh hưởng đến "tình cảm" của người dân Trung Quốc.
Theo nhiều ý kiến, việc Apple đăng tuyển dụng có thể phục vụ cho việc mở trung tâm nghiên cứu nhỏ, phân phối, bán hàng, chăm sóc khách hoặc tham gia vào các khâu sản xuất, kiểm thử với các đối tác của Apple...
Khả năng Apple chuyển nhà máy sản xuất về Việt Nam trong tương lai là hoàn toàn có khả năng... Việt Nam cũng đã có một số công ty sản xuất, gia công linh kiện cho một số sản phẩm của Apple.
Từ bài học thành công của Samsung
Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng đã có câu chuyện thành công của Samsung khi đồng loạt mở rộng các nhà máy, chuyển các vệ tinh cung cấp tới Việt Nam. Vì vậy, với làn sóng chuyển dịch khỏi Trung Quốc, cơ hội cho Việt Nam là hoàn toàn có thể, và nếu đã lựa chọn thì những nhà đầu tư Mỹ sẽ làm rất nhanh. "Vấn đề Việt Nam có nắm bắt được cơ hội hay không" - ông Toàn cho hay.
Theo ông, hiện nay Mỹ đang là nhà đầu tư ra nước ngoài số 1 thế giới, mỗi năm đầu tư 300 tỉ USD, nhưng số vốn rót vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Cũng bởi còn những tâm lý dè chừng. Ông dẫn chứng khi làm việc, các nhà đầu tư Mỹ đã băn khoăn về bảo hộ đầu tư được đưa ra trong Luật đầu tư đang được Quốc hội lấy ý kiến. Theo đó, bảo hộ đầu tư có nêu ra các ưu đãi được đảm bảo, nhưng trong giấy phép đầu tư lại không có quy định rõ về việc ưu đãi đầu tư. Chưa kể, nhiều quy định luật hiện nay còn chồng chéo.
Ông Toàn cho rằng kể cả khi Apple chưa đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, việc tăng tuyển dụng nhân sự hoặc đưa các vệ tinh sản xuất linh phụ kiện chuyển dịch từ nước ngoài vào Việt Nam cũng là tín hiệu tích cực. Bởi các doanh nghiệp phụ trợ sẽ có hàm lượng công nghệ phụ trợ với công nghệ cao. Do đó, khi các nhà máy vệ tinh của Apple đầu tư vào Việt Nam cũng phần nào giúp lan tỏa cho chuỗi cung ứng thúc đẩy ngành phụ trợ của Việt Nam phát triển.
Hơn 30 đối tác của Apple đang ở Việt Nam
Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện Apple đang có công ty tại Việt Nam (trụ sở đặt tại TP.HCM), với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu và phát triển thị trường, phân phối sản phẩm. Đơn vị này từng có nhiều lần làm việc với các lãnh đạo liên quan ở nhiều bộ ngành tại Việt Nam, song chưa có bất kỳ tiết lộ về ý định đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Dù vậy, có khoảng 30 đối tác là nhà cung cấp linh kiện cho các sản phẩm của Apple tại Việt Nam, trong đó có những nhà sản xuất các linh kiện quan trọng nhất của Apple đều đang đặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, danh sách các nhà cung ứng này đều là các công ty nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận