Doanh nghiệp công nghệ số Việt làm chủ công nghệ, đột phá vươn tầm châu Á
Ngày 27/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ - Đột phá, Vươn mình”.
- Doanh nghiệp số Việt Nam cần đi đầu để tạo ra đột phá cho "Make in Vietnam"
- Doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ công nghệ chiến lược
Sự kiện thu hút hơn 2.500 lượt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia đến từ 22 tỉnh thành phố trên cả nước và 16 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ như Nghị quyết 57, Đề án 06, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và công nghệ số. Những chính sách này tạo hành lang pháp lý và môi trường phát triển thuận lợi chưa từng có cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Làm chủ công nghệ - Cơ hội để doanh nghiệp Việt bứt phá
Từ nền tảng gia công phần mềm, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang từng bước làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm “Make in Vietnam” và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Các tên tuổi như Viettel, FPT, VNPT, MISA, One Mount... đang dẫn dắt nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, an ninh mạng và nền tảng chuyển đổi số.
Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025) trong 2 ngày 27-28/5/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Tính đến đầu năm 2025, cả nước có hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế số, xây dựng chính phủ số và xã hội số.
Việt Nam xác định đầu tư các công nghệ chiến lược như AI, IoT, 5G/6G, Blockchain, an ninh mạng, bán dẫn… là con đường tất yếu để vươn lên. Nhiều doanh nghiệp đang dấn thân nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ đột phá nhằm tăng tốc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số bùng nổ - Cơ hội vàng cho công nghệ Việt
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% (2021) lên gần 70% (2024), chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4. Kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2024, hướng tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhu cầu là rất lớn và cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, Số hóa quy trình và dịch vụ công: Mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, phát triển hạ tầng số cho các ngành…
Diễn đàn là sự kiện quan trọng giúp kết nối doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức công nghệ trong nước và quốc tế .
Trong khi đó, thị trường chuyển đổi số doanh nghiệp dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới với những chính sách ưu đãi đột phá về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ từ chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam, dự kiến đạt trên 20%/năm, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển mình của khối doanh nghiệp.
Bên cạnh giới thiệu công nghệ lõi, đột phá của các doanh nghiệp công nghệ số, Vietnam - Asia DX Summit 2025 đi sâu bàn thảo để: Gỡ những nút chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, phát triển hạ tầng số, sản xuất xanh - thông minh; khai sức mạnh của AI, của tài nguyên dữ liệu số, thảo luận các vấn đề về hợp tác trong khu vực châu Á trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và biến động địa chính trị... .
Theo báo cáo của IDC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào chuyển đổi số vào năm 2025. Các quốc gia trong khu vực châu Á đang ưu tiên một số công nghệ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số.
Diễn đàn cũng là dịp để tăng cường hợp tác khu vực trong AI, công nghệ xanh, 5G, blockchain… Các đối tác như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… sẵn sàng chia sẻ công nghệ và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mũi nhọn.
Các đề xuất hợp tác bao gồm: nghiên cứu AI tiên tiến, điện toán lượng tử, 6G; chia sẻ hạ tầng dữ liệu, cloud; kết nối nhân tài, tổ chức hội nghị kỹ thuật, hợp tác để hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới…
Vietnam - Asia DX Summit 2025 với 9 phiên hội thảo chuyên đề với hơn 100 diễn giả và hơn 2.500 lượt đại biểu trong và ngoài nước tham dự, bàn thảo chuyên sâu về chính sách, nghiên cứu, hợp tác phát triển các công nghệ chiến lược: AI, IoT, dữ liệu lớn, an ninh mạng, hạ tầng và năng lượng, sản xuất xanh – thông minh, hợp tác và kinh nghiệm quốc tế.
Bên cạnh đó, các phiên kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế (B2B) cũng được tổ chức song song nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA: “Cơ hội để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đột phá là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cần sự chung tay hành động. Cụ thể, về phía Chính phủ: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số và đào tạo nhân lực. Về phía Doanh nghiệp: Cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho R&D, tập trung vào các công nghệ lõi và chất lượng sản phẩm; Tăng cường hợp tác, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp và cùng nhau chinh phục các thị trường lớn hơn. Về phía Xã hội: Xây dựng văn hóa số, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
“Việt Nam đang nắm trong tay vận mệnh công nghệ của chính mình. Bằng việc làm chủ công nghệ và tận dụng cơ hội từ cuộc chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia mà còn có thể ghi danh Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.” Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng