Hà Nội hướng dẫn chi tiết phòng, chống dịch trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Hà Nội ban hành hướng dẫn chi tiết việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi kỳ thi này.
- Tốt nghiệp THPT năm 2021: Công bố đề tham khảo môn Lịch sử
- Các kế hoạch cho kì thi tốt nghiệp THPT
- Còn 9 ngày để đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học trực tuyến
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có diễn biến phức tạp, ngày 25/6, Liên ngành Sở Y tế-Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 9728/HDLN:YT-GDĐT hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Kỳ thi, nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã, các điểm thi, lực lượng tham gia kỳ thi, thí sinh và người nhà thí sinh.
Đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo nội dung hướng dẫn liên ngành, Ban Chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ chỉ đạo các điểm thi phối hợp với trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tổ chức vệ sinh, khử khuẩn điểm thi trước khi Kỳ thi diễn ra và sau mỗi buổi thi; chỉ đạo các điểm thi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi.
Ban chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã phải yêu cầu các lực lượng an ninh, thanh niên tình nguyện giải tỏa khu vực cổng trường; bố trí các trường tiểu học, trung học cơ sở không tổ chức Kỳ thi nhưng ở gần điểm thi mở cổng trường hoặc bố trí khu vực thuận lợi để phụ huynh chờ đón thí sinh trong thời gian tổ chức Kỳ thi, bảo đảm không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi phải tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các trường rà soát, phân loại, lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi trong diện F0, F1, F2 và thí sinh trong khu vực bị phong tỏa, chịu trách nhiệm xác nhận các đối tượng thí sinh trong diện F0, F1, F2 trong thời gian còn phải cách ly và thí sinh trong khu vực bị phong tỏa theo quy định.
Tại mỗi điểm thi, trung tâm y tế địa phương phối hợp với nhà trường bố trí tối thiểu ít nhất 5 cán bộ y tế bảo đảm có mặt trong suốt thời gian diễn ra Kỳ thi để thực hiện nhiệm vụ và xử lý các tình huống phát sinh.
Ban chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã cần phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các trung tâm y tế tổ chức xét nghiệm sàng lọc nhanh SARS-CoV-2 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia Ban In sao đề thi, Ban làm phách trong Kỳ thi.
Hướng dẫn liên ngành cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức diễn tập trước khi diễn ra kỳ thi chính thức. Theo đó, Ban chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã phải tổ chức diễn tập điểm xong trước ngày 1/7; diễn tập đại trà xong trước ngày 5/7.
Xây dựng kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra
Liên ngành Y tế-GD&ĐT yêu cầu các điểm thi xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức diễn tập trước khi diễn ra Kỳ thi chính thức; vệ sinh môi trường trong khuôn viên và xung quanh các điểm thi bảo đảm an toàn, sạch sẽ; bố trí phòng thi thông thoáng, bảo đảm giãn cách an toàn cho thí sinh; không sử dụng điều hòa, mở cửa sổ các phòng thi đảm bảo lưu thông khí; phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ điểm thi trước ngày thi.
Sau mỗi buổi thi, thực hiện vệ sinh khử khuẩn các phòng thi, phòng làm việc chung của điểm thi, kiểm tra và bổ sung kịp thời các điều kiện cơ sở vật chất về phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo.
Các điểm thi cũng phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị thiết yếu; chuẩn bị tối thiểu 2 phòng thi dự phòng, bố trí bàn ghế cho thí sinh đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh tối thiểu 2,0 mét mỗi chiều; 1 phòng cách ly để sử dụng trong tình huống phát hiện thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc những bất thường khác; chuẩn bị nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khăn sạch, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang; bố trí thùng rác có nắp lật để ở những nơi dễ tiếp cận, trong nhà vệ sinh, nơi rửa tay. Trong trường hợp ở vị trí không bố trí được nguồn nước thì có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh, có nồng độ cồn tối thiểu 60%.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền bằng các hình thức, các điểm thi phải bố trí đủ nước uống và cốc dùng 1 lần, khuyến khích các điểm thi sử dụng bình/chai nước uống cá nhân cho các thành viên. Nếu điểm thi tổ chức ăn trưa cho các thành viên thì sử dụng hình thức suất ăn cá nhân bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh, bố trí chỗ ngồi cho các thành viên đủ khoảng cách an toàn.
Đặc biệt, các điểm thi phải thực hiện hướng dẫn người nhà khi đưa đón thí sinh cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không tập trung đông người xung quanh điểm thi; bố trí biển chỉ dẫn, phân luồng đường đi bảo đảm 1 chiều từ cổng trường tới bàn đăng ký kiểm tra thân nhiệt và đến phòng thi, chăm sóc y tế.
Mỗi điểm thi bố trí tối thiểu 10 người (lực lượng tình nguyện viên) để đo thân nhiệt thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ trước giờ thi; cử ít nhất 5 cán bộ y tế trực tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ và xử lý các tình huống phát sinh.
Mỗi điểm thi bố trí ít nhất 5 vị trí để đo kiểm tra thân nhiệt và phân luồng thí sinh trước khi lên phòng thi. Trường hợp thí sinh có thân nhiệt bình thường được vào ngay các phòng thi theo quy định, không tập trung tại sân trường. Trường hợp thí sinh có thân nhiệt cao hơn mức bình thường sẽ dự thi tại phòng thi dự phòng. Trường hợp thí sinh đang dự thi nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở được chuyển đến phòng cách ly, bộ phận y tế xử lý nghiệp vụ chuyên môn theo quy định.
Mỗi điểm thi phải xây dựng phương án xử lý tình huống khi phát hiện thí sinh hoặc cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ tại điểm thi có biểu hiện sốt, ho, khó thở và những bất thường khác. Sau buổi thi, Trưởng điểm thi có phương án phân luồng để thí sinh ra về bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định.
Các đối tượng tham gia kỳ thi hạn chế ra khỏi Thành phố
Để đảm bảo an toàn cho Kỳ thi, một trong những yêu cầu của liên ngành Y tế-GD&ĐT là yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên hạn chế ra khỏi thành phố. Trong trường hợp thật sự cần thiết phải ra khỏi thành phố, các cán bộ, giáo viên, nhân viên này cần thực hiện đầy đủ quy tắc “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Các cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện F0, F1, F2 (trong thời gian cách ly theo quy định) hoặc trong khu vực bị phong tỏa không tham gia các khâu của Kỳ thi.
Các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi phải tự đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến điểm thi; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ốm, ho, sốt, khó thở phải báo cáo ngay cho điểm thi để được xử lý kịp thời; nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: rửa tay với nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách an toàn khi làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, trong quá trình làm nhiệm vụ tại điểm thi, 100% thành viên của điểm thi phải thực hiện khai báo y tế trực tuyến hoặc tờ khai và đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ trong mỗi buổi thi. Các thành viên của điểm thi được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào phòng làm việc của điểm thi. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các biểu hiện bất thường khác về mặt sức khỏe, cần kiểm tra, theo dõi tại phòng y tế của điểm thi.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận