Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2025: Hành trình phát triển và đổi mới
Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5) không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua mà còn là thời điểm để khẳng định vai trò then chốt của khoa học công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng đưa Việt Nam vững bước tiến lên, hội nhập sâu rộng với khoa học công nghệ thế giới, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5
- Cần thay đổi tư duy về sở hữu trí tuệ để phát triển nền kinh tế tri thức
- Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 32 sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu
Dấu ấn lịch sử và hành trình phát triển khoa học - công nghệ Việt Nam
Ngày 18/5/2025, cả nước hân hoan chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam Đây không chỉ là dịp để tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học mà còn là thời điểm để nhìn lại hành trình phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử, ngày 04/3/1959, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 016-SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước - tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay.
Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thức I của Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam |
Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Bác khẳng định: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng. Khoa học không có nhiệm vụ gì khác ngoài nhiệm vụ phục vụ cho đời sống của nhân dân." có thể được coi như bản tuyên ngôn mang tính định hướng sâu sắc, thể hiện quan điểm nhất quán, tiến bộ và thực tiễn của Bác về vai trò của khoa học, kỹ thuật trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Năm 2013, sau khi Quốc hội thông qua Luật Khoa học và Công nghệ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 18/5 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam” theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã trở thành dịp tôn vinh trí tuệ Việt, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và gắn kết khoa học với thực tiễn cuộc sống.
Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025, ngành khoa học và công nghệ chứng kiến một bước ngoặt, ghi dấu ấn đậm nét với một sự kiện mang tính chiến lược: việc hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, đây không chỉ là một quyết định hành chính đơn thuần mà còn là bước đi chiến lược trong tiến trình tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính và thích ứng với yêu cầu phát triển của thời đại số.
Việc sáp nhập hai bộ đánh dấu sự chuyển hướng rõ rệt từ mô hình “quản lý hành chính” sang “quản trị phát triển”, nhằm hình thành một cơ quan điều phối thống nhất, linh hoạt và hiện đại. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt toàn diện các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông. Sự hợp nhất này được đánh giá sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng một thể chế linh hoạt, hiện đại và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Bộ mới được hình thành không chỉ đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước thống nhất, mà còn đóng vai trò nòng cốt trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế số, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Với tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia được nâng cao thông qua việc đổi mới mạnh mẽ hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực nghiên cứu, hứa hẹn sẽ tạo ra hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực KHCN, tham gia tích cực vào mạng lưới nghiên cứu toàn cầu, đồng thời ký kết và triển khai hiệu quả nhiều hiệp định hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế khoa học của đất nước trên trường quốc tế.
Các nhà khoa học và doanh nghiệp được tôn vinh vì những thành tựu đóng góp cho KHCN, ĐMST Việt Nam. |
Đóng góp của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) luôn giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia, được Đảng và Nhà nước xác định là "quốc sách hàng đầu" và "đột phá chiến lược quan trọng" từ Đại hội XI đến Đại hội XIII.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc với những chuyển biến tích cực và nổi bật như: Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai thành công, tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng chính phủ điện tử; các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia như: MIC Platform, akaBot, akaChain, vBI đã được phát triển bởi các doanh nghiệp công nghệ trong nước; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp; các giải pháp thanh toán điện tử và thương mại điện tử đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số; đồng thời, hạ tầng mạng 5G đã được triển khai trên toàn quốc, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển Internet vạn vật (IoT) và các ứng dụng công nghệ mới, đưa Việt Nam tiến vững chắc vào kỷ nguyên số.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Định hướng phát triển KHCN&ĐMST trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực.
Trước hết, cần tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị về phát triển KHCN&ĐMST, tạo khung pháp lý vững chắc và định hướng chiến lược rõ ràng. Song song với đó, việc tăng cường thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, sẽ tạo đột phá về nguồn lực tài chính.
Các chính sách vượt trội về thể chế, cơ sở vật chất và phát triển nhân lực chất lượng cao cần được triển khai đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Doanh nghiệp cần được khuyến khích và hỗ trợ để coi hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST là yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy liên kết hiệu quả giữa nghiên cứu và sản xuất.
Việc thu hút các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có uy tín đóng góp vào sự phát triển khoa học trong nước sẽ giúp tận dụng tri thức tiên tiến toàn cầu.
Cuối cùng, cần xây dựng văn hóa khoa học trong đó các nhà khoa học đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, dám dấn thân, dám đổi mới và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, từ đó tạo nên những đột phá mang tầm quốc gia và quốc tế.
Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh những người làm khoa học mà còn là lời nhắc nhở về vai trò cốt lõi của trí tuệ, đổi mới và sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước, là lực đẩy quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời đại số.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận