Khởi nghiệp quốc gia cần sự bổ trợ của hành lang pháp lý
Nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0 và vận động, hỗ trợ mô hình kinh doanh mới đặt ra các yêu cầu đối với các nhà quản lý phải xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để hướng tới mục tiêu khởi nghiệp quốc gia.
- Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc
- Cha đẻ của Angry Birds truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ Đà Nẵng
- Fintech Summit 2019 - Chìa khoá đến thành công của các nhà khởi nghiệp sáng tạo trong công nghệ tài chính
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, với nhiều nỗ lực, Chính phủ, các bộ, ngành đã tạo nhiều điều kiện để tập trung triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bằng nhiều cách thức, từ Trung ương tới các địa phương cũng đã cùng thúc đẩy các chủ trương, chính sách để nhanh chóng đi vào cuộc sống nhằm khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0; đồng thời, vận động, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.
Ông Lộc nhấn mạnh, khởi nghiệp không bao giờ là hoàn thiện mà luôn là sự bắt đầu và không bao giờ có kết thúc. Hiện nay, khởi nghiệp đã trở thành từ khóa rất "hot", mọi diễn đàn đều nhắc đến khởi nghiệp và mọi người luôn nghĩ rằng, khởi nghiệp luôn là khởi nghiệp sáng tạo, bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh sáng tạo với những khởi đầu mới, tư duy mới.
Tuy nhiên, dẫn nguồn một khảo sát của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, Chủ tịch VCCI cho biết, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Song, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì lại thuộc nhóm 20 nước đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng.
“Như vậy, giữa ý chí và khát vọng với hành động và kết quả cụ thể là khoảng cách quá lớn. Chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bình luận về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, hiện cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động bên cạnh 5 triệu hộ kinh doanh.
Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, việc cần làm là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hộ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, khơi thông các nguồn lực, tiềm năng xã hội; trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục gia nhập thị trưởng, tiếp cận vốn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng như đổi mới tinh thần phục vụ doanh nghiệp và đáp ứng các yêu cầu về minh bạch và hoàn thiện hệ thống pháp luật...
Khởi nghiệp luôn là đề tài được luận bàn sôi nổi tại các diễn đàn, đại diện doanh nghiệp, ông Trần Trí Dũng, cán bộ Đánh giá kết quả và hỗ trợ hoạt động cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program) chia sẻ: "Chúng tôi đã làm việc với các mạng lưới khởi nghiệp để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.
Thực tế, Việt Nam có nhiều bộ luật, có nhiều thể chế pháp lý nhưng phần lớn những người khởi nghiệp không dành nhiều thời gian tư duy pháp lý và tìm hiểu cơ chế chính sách khi khởi nghiệp. Vì thế cơ hội thành công thường là khó khăn".
Ở vai trò nghiên cứu, TS. Lê Thị Minh Ngọc, Phó Trưởng ban Hỗ trợ Khởi nghiệp (Học viện Ngân hàng) cho rằng, khó khăn đầu tiên là ý tưởng và tinh thần khởi nghiệp. Sinh viên chủ yếu học các môn đại cương và chuyên ngành; nhiều sinh viên nghĩ chỉ để làm thuê chứ không nghĩ là mình phải học để làm chủ. Qua quá trình giảng dạy, học viên đã có chính sách cộng điểm rèn luyện thì các sinh viên mới tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp.
Thực tế, các nhóm khởi nghiệp khi đi được một nửa đường thì bỏ cuộc vì nhiều khó khăn. Các bạn sinh viên mới khởi nghiệp do chưa có nhiều kiến thức để phát triển sản phẩm. Để hoàn thiện và có thể đưa các ý tưởng khởi nghiệp đi xa, các bạn cần bổ sung thêm kiến thức còn thiếu, đồng thời có thể kết hợp với các khoa khác hay các anh chị khóa trên để hoàn thành ý tưởng khởi nghiệp".
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận