Xây dựng thương hiệu trong thời đại số cần sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp
Trong thời đại số, để xây dựng thương hiệu và xử lý khủng hoảng, doanh nghiệp cần lắng nghe mạng xã hội bằng cách theo dõi và thu thập dữ liệu từ các cuộc thảo luận công khai trên nền tảng mạng xã hội, cung cấp thông tin định hướng cho truyền thông, quản trị khủng hoảng, nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Trong thời đại số, dòng thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, vì vậy ứng xử với truyền thông là vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Cần nhận diện hiện trạng truyền thông thời đại số; chiến lược ứng xử của doanh nghiệp trong thời đại số và mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp trong thời đại số. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược tận dụng truyền thông cũng như hạn chế những mặt trái trong thời đại số.
Chia sẻ thông tin về báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết: Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, từ năm 2009 đến nay, số lượng phát hành báo in trên thị trường giảm khoảng 11%, trong khi lượng truy cập báo điện tử tăng 98%. Tổng doanh thu báo chí nước ta khoảng 600 triệu đô la mỗi năm, trong đó doanh thu từ quảng cáo chiếm 500 triệu đô la.
Theo ông Lưu Đình Phúc, báo chí là kênh thông tin quan trọng, có vai trò tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội. Báo chí và doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau vì mục tiêu chung của đất nước. Lựa chọn báo chí làm kênh truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp là lựa chọn có tính chiến lược, bền vững. Sự tin cậy của công chúng với kênh truyền thông không chỉ giúp doanh nghiệp định hình, lan tỏa thương hiệu, mà khi xảy ra khủng hoảng, báo chí là kênh định hướng dư luận hiệu quả.
Đối với vấn đề tin đồn và xử lý tin đồn, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tin đồn thông thường là tin được truyền miệng cho nhau một cách không chính thức, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo tính chính xác. Theo hai nhà tâm lý học người Mỹ Gordon Allport và Postman, tin đồn là sự khẳng định về một chủ thể được quan tâm mà không có đủ bằng chứng đáng tin cậy được đưa ra. Khi tin đồn được “chính thống hóa” trên báo chí, với sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng, nó trở thành “quả bom” có sức công phá khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự của doanh nghiệp, thậm chí là lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Quang Lợi, trước tin đồn, doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin; sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông. Đặc biệt không nên tìm cách gỡ tin, bài ngay lập tức mà phải tìm hiểu nguyên nhân, mức độ tác động và giải thích cho công chúng; sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin với báo chí, cộng đồng.
Ông Hồ Quang Lợi chia sẻ: Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, báo chí và doanh nghiệp có thể coi là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển, bởi doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Trong khi đó, nhà báo cần tuân thủ nghiêm những nguyên tắc cơ bản của báo chí, xác lập giá trị cốt lõi của báo chí, thực hiện tốt Luật Báo chí 2016, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội mà Hội Nhà báo đã ban hành, tất cả vì một môi trường xã hội phát triển lành mạnh và bền vững. Ở bất cứ thời kỳ nào thì “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc khi hoạt động nghề báo. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Ở góc độ doanh nghiệp truyền thông, ông Nguyễn Hải Triều, Tổng giám đốc Công ty Younet media cho biết: Truyền thông mạng xã hội đang tạo ra sức ảnh hưởng và tự động lan truyền mạnh mẽ. Một khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp không thể giải quyết dứt điểm và sẽ để lại hậu quả, điều quan trọng là doanh nghiệp xây dựng sự ủng hộ tích cực và luôn theo dõi, dự đoán trước diễn biến ngay từ giai đoạn mới phát sinh sự cố. Mạng xã hội và người có ảnh hưởng vừa là thách thức vừa là cơ hội với truyền thông thương hiệu, quản trị danh tiếng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Lang, Tổng Giám đốc Công ty mỹ phẩm Đăng Dương nêu thắc mắc về vấn đề xử lý đối với tình trạng cắt ghép hình ảnh, lồng ghép thông tin xấu nhằm bôi nhọ uy tín doanh nghiệp. Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng để xử lý những trường hợp bị bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp cần nắm rõ nội dung cắt ghép, thông tin sai sự thật, đánh giá mức độ tác động, báo cáo đơn vị quản lý trang mạng xã hội có thông tin sai sự thật. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận