Cần tăng cường cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế báo số
Các cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh từ các nền tảng mạng xã hội. Các doanh nghiệp cũng đang cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông. Bên cạnh đó, nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế, tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để...
Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” vừa diễn ra sáng nay (14/6) tại Hà Nội nhằm phân tích, làm rõ vấn đề phát triển kinh tế báo chí truyền thông trên quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Thông qua Hội thảo, đề xuất những bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chụp ảnh cùng các đại biểu, diễn giả tại Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, GS. TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV.
Hội thảo cũng có sự tham dự của lãnh đạo Hội đồng lý luận Trung ương, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo các Bộ TTTT, Tư pháp, Ngoại giao, Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông; lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham của rất nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực báo chí truyền thông, các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Liên minh châu Âu, ASEAN, Trung Quốc; chuyên gia các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Galaxy, Le Bross…
Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội nhằm phân tích, làm rõ vấn đề phát triển kinh tế báo chí truyền thông trên quy mô tổng thể.
Tại Hội thảo, các đại biễu đã tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp phát triển kinh tế báo chí số. Có đại biểu cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế truyền thông hiện nay ở các cơ quan báo chí, truyền thông bản chất vẫn là kinh doanh quảng cáo với các sản phẩm là thông tin. Việc phát triển kinh tế truyền thông ở Việt Nam đã có những mô hình tốt, nhưng cũng còn một số những bất cập, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý ngành kinh tế truyền thông số. Do đó cần một chiến lược chuyển đổi số riêng trên cơ sở phát triển kinh tế báo chí số, từ đó giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí; đồng thời cần một hành lang pháp lý để hành trình chuyển đổi số báo chí đảm bảo hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ sửa đổi Luật Báo chí, trong đó đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.
"Có lẽ sẽ phải đưa vào Luật Báo chí (sửa đổi) những khái niệm mới, những tiền đề mới ở tầm của luật để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Liên quan đến câu chuyện thể chế, các cơ quan chức năng đang trong quá trình sửa đổi Nghị định số 18/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản theo hướng thực hiện của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Cụ thể là quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXHNV Hà Nội nhận định, sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội khiến chúng ta không thể “bê” nguyên xi các lý thuyết của thế giới để áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. “Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài” – bà Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.
Theo PGS.TS. Đinh Văn Hường - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Trường Đại học KHXHNV Hà Nội, trong bối cảnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển kinh tế báo chí số là một nhu cầu thiết yếu, khách quan, cần thiết, góp phần mang lại nguồn lực phát triển cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn và đời sống của người làm báo.
Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng, bổ sung, đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho hệ thống báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Đặc biệt là trong Luật Báo chí năm 2016 sửa đổi sắp tới cần bổ sung 1 chương riêng về “Kinh tế báo chí” với đầy đủ các nội hàm cụ thể để có căn cứ pháp lý thực hiện hoạt động này.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXHNV Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Trên thực tế, để phát triển tốt kinh tế báo chí, đặc biệt là kinh tế báo chí số, một trong những vấn đề quan trọng là yêu cầu đảm bảo về bản quyền và sở hữu trí tuệ trong các hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Trần Quang Diệu cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, cần thực hiện hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả. Cần có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm báo chí, truyền thông.
Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để triển khai các biện pháp bảo hộ dựa trên công nghệ đối với các sản phẩm báo chí truyền thông. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, năng lực kiểm tra, thực hiện giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm báo chí truyền thông.
“Các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể và thiết chế truyền thông cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu tác giả đối với các tác phẩm báo chí” - PGS Trần Quang Diệu nhấn mạnh.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng