Danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau đại dịch Covid -19
CNBC đã so sánh GDP danh nghĩa tính theo USD của các nước có trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong quá khứ gần đây, làm đảo lộn vị trí xếp hạng trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- 9 ngành kinh tế Việt Nam thiệt hại lớn nhất bởi đại dịch Covid-19
- "Hộ chiếu vaccine" - Hướng tới mục tiêu kép trong phát triển nền kinh tế
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong quá khứ gần đây, làm đảo lộn vị trí xếp hạng trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức vẫn giữ 4 vị trí đầu của danh sách, một số vị trí xếp hạng khác đã thay đổi do hậu quả của đại dịch. Thậm chí, một quốc gia còn trượt khỏi danh sách top 10 này, theo phân tích về dự báo kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) của CNBC.
GDP danh nghĩa là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong một nền kinh tế, nhưng không loại trừ tác động của lạm phát. Do đó, thước đo này đôi khi phản ánh quá cao hoặc quá thấp giá trị kinh tế thực của một nước.
Giá trị GDP danh nghĩa xác định theo một đồng tiền phổ biến là cách để tính toán và so sánh quy mô kinh tế của các nước. Giá trị này cũng phản ánh sơ lược về tầm ảnh hưởng khác nhau của những diễn biến, chẳng hạn như diễn biến của đại dịch Covid-19, đến các nền kinh tế ra sao.
Dưới đây là những thay đổi chính về vị trí xếp hạng của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước và sau đại dịch.
Danh sách năm 2019
Danh sách năm 2020
Ấn Độ rơi xuống vị trí thứ 6
Từng đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 2019, Ấn Độ đã trượt xuống vị trí thứ 6 và đứng sau nước Anh trong năm vừa qua.
Theo phân tích của CNBC về dữ liệu của IMF, có thể quốc gia hơn 1.3 tỷ dân này sẽ không giành lại được vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu cho đến năm 2023.
Việc áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh đã giáng một đòn mạnh đến nền kinh tế Ấn Độ trong năm vừa qua. IMF dự báo, GDP của quốc gia này sẽ giảm 8% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021.
Đối với năm tài chính tiếp theo, tính đến hết tháng 3/2022, IMF kỳ vọng kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12.5%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo rằng, đợt bùng phát đại dịch mới đây có khả năng làm giảm triển vọng của quốc gia Nam Á này. Tuần trước, tính đến ngày 17/04, Ấn Độ đã vượt Brazil, trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc Covid-19, sau Mỹ.
Trong một báo cáo gần đây, các chuyên gia kinh tế của Bank of America nêu: “Chúng tôi cảm thấy lo ngại hơn vì sự gia tăng về số ca mắc Covid-19 sẽ tiềm ẩn mối nguy đến sự phục hồi còn mong manh của Ấn Độ”.
Các chuyên gia kinh tế ước tính nếu như Ấn Độ một lần nữa áp lệnh phong tỏa trong vòng một tháng trên khắp cả nước, GDP hàng năm của quốc gia này có nguy cơ thất thoát từ 100 - 200 điểm cơ bản.
Brazil rời khỏi top 10
Từ vị trí thứ 9 trong danh sách xếp hạng, Brazil đã trượt xuống vị trí thứ 12 trong năm vừa qua, trở thành nền kinh tế duy nhất rời khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quốc gia Nam Mỹ này có thể nằm ngoài danh sách top 10 ít nhất đến năm 2026, theo dự báo mới nhất của IMF, phân tích của CNBC cho thấy.
Brazil hiện có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới và có số ca tử vong lớn thứ 2 toàn cầu. Dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã nhiều lần từ chối áp lệnh phong tỏa quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh.
Giới chức y tế thành phố Sao Paulo đã có báo cáo trình lên chính phủ liên bang cảnh báo về nguy cơ sụp đổ sắp xảy ra trong hệ thống chăm sóc sức khỏe liên bang. Về mặt kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng Brazil sẽ phải vật lộn để phục hồi.
Theo IMF, GDP Brazil giảm 4.1% trong năm vừa qua và được dự báo sẽ giảm 3.7% trong năm 2021 này.
Hàn Quốc vào top 10
Thay thế cho Brazil, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 10 trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và được kỳ vọng sẽ duy trì mức xếp hạng này ít nhất đến năm 2026, phân tích của CNBC cho thấy.
Sau khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc là một trong những quốc gia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sớm nhất trong năm 2020. Dù vậy, nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh tay và hiệu quả, Hàn Quốc đã khá thành công trong công tác khống chế Covid-19 trong năm vừa qua. Bên cạnh đó, nhờ xuất khẩu chất bán dẫn tăng mạnh nên nền kinh tế Hàn Quốc chỉ gánh chịu mức giảm nhẹ 1% trong năm 2020.
Tuy nhiên, do số ca nhiễm Covid-19 trong ngày có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 4, chính quyền Hàn Quốc buộc phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cho đến đầu tháng 5/2021.
Dù bất ổn do đại dịch, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn mạnh mẽ, các chuyên gia kinh tế của Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết trong một báo cáo gần đây.
Họ cho rằng: “Xu hướng tiêu dùng cũng tăng trở lại sau đại dịch, một phần nhờ tăng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, các lĩnh vực nhà hàng-khách sạn và giải trí vẫn còn rất yếu”.
IMF dự báo, GDP Hàn Quốc sẽ ghi nhận mức tăng 3.6% trong năm nay.
Theo CNBC
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận