Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4: Việt Nam sẽ xây dựng thành công nền kinh tế có nội lực
Tại phiên toàn thể - toạ đàm cấp cao của Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước đã cùng chia sẻ nhiều góc nhìn về cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam trong một thế giới đầy biến động.
- Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4: Hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới
- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư
- Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư lần đầu tiên được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh
Nói về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong một thế giới nhiều biến động, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright) nhấn mạnh Việt Nam đang giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động. Ông ví von Việt Nam như vịnh tránh bão trong cơn biến động.
"Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định. Chúng ta mở cửa mà vẫn giữ được trạng thái này và phải khen ngợi các bộ, ngành quản lý vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh", ông Tự Anh đánh giá. Theo vị chuyên gia này đây là cơ hội lớn để thu hút các dòng đầu tư dịch chuyển, biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất công nghiệp.
Cũng nói về những nỗ lực của Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh, ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá nhờ các chính sách quản lý dịch bệnh rất linh hoạt, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đã duy trì được tăng trưởng dương năm 2020.
Bên cạnh những điều Việt Nam đã làm được thì theo các chuyên gia trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay cũng không tránh khỏi các thách thức. Phân tích rõ hơn về điều này, TS Vũ Thành Tự Anh đã bàn đến thách thức có tính toàn cầu đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nếu xét về mối quan hệ trực tiếp đến đầu tư, thương mại, tài chính giữa hai quốc gia trên và Việt Nam thì ảnh hưởng không lớn. Song tác động gián tiếp đến giá năng lượng, giá lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng mới lớn. Cũng theo vị chuyên gia này, áp lực lạm phát dù chưa có dấu hiệu rõ nét ở Việt Nam nhưng vẫn phải được chú ý trong thời gian tới, bởi những nền kinh tế có sức ảnh hưởng lớn như Mỹ, EU đang có mức lạm phát trên 8%.
Cùng chung nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban kinh tế Trung ương nhìn nhận tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga - Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Do đó yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng và củng cố nội lực, đồng thời phát huy, tận dụng được những cơ hội từ bên ngoài mang tới.
Ông Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng sau diễn đàn này, với khát vọng đổi mới vươn lên mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng tâm, nhất trí của toàn hệ thống chính trị và người dân, quá trình triển khai hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Việt Nam sẽ xây dựng thành công được một nền kinh tế có nội lực và năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, có khả năng thích ứng và chống chịu được trước những biến chuyển và tác động bất lợi từ bên ngoài.
Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận