Lần đầu tiên điểm sâu nhất ở Nam Đại Dương được vẽ trên bản đồ
Các nhà nghiên cứu đã công bố bản đồ chi tiết nhất về Nam Cực băng giá, bao gồm điểm sâu nhất của đại dương "Factorian Deep" với độ sâu gần 7.437 mét so với mặt biển.
- Các nhà khoa học xây dựng bản đồ 3D về nồng độ oxi hòa tan trong các đại dương
- Tan băng ở Nam Cực sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm mặn đất liền hiện nay
- Nam Cực ghi nhận một mùa đông lạnh giá kỷ lục
Nằm ở độ sâu tương đương với khoảng 17 Tòa nhà Empire State xếp chồng lên nhau từ trên xuống dưới, Factorian Deep được khám phá vào năm 2019 bởi nhà thám hiểm kiêm doanh nhân người Mỹ Victor Vescovo, trong sứ mệnh thám hiểu Five Deeps Expedition (FDE) nhằm lập bản đồ các điểm sâu nhất của năm đại dương trên thế giới. Vescovo đã đích thân lái một chiếc tàu lặn có tên ‘Limiting Factor’ xuống đáy của rãnh Nam Sandwich của Đại Tây Dương - một hẻm núi dưới đáy biển kéo dài khoảng 965 km giữa Nam Mỹ và Nam Cực.
Rãnh ngăn cách Đại Tây Dương và Nam Đại Dương. Chuyến thám hiểm của Vescovo đã lập bản đồ toàn bộ chiều dài của rãnh Nam Sandwich, khám phá ra điểm sâu nhất mới của Nam Đại Dương ngay phía nam vĩ tuyến 60. Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đưa Factorian Deep vào một bản đồ mới rộng lớn về các dãy núi, hẻm núi và cao nguyên dưới đáy biển của Nam Đại Dương.
Bản đồ mới nhất về Nam Cực hiển thị chi tiết tất cả các khu vực kể cả điểm sâu nhất (ảnh minh họa).
Tấm bản đồ này là một nỗ lực chung của nhóm Biểu đồ đo sâu quốc tế về Nam Đại dương (IBCSO), bắt đầu vào năm 2013 cùng với Dự án Nippon Foundation-GEBCO Seabed 2030, nhằm lập bản đồ toàn bộ đáy biển toàn cầu đến năm 2030. Các nhà nghiên cứu cho biết bản đồ mới này lấy dữ liệu từ hơn 1.200 bộ sonar quét sườn, được thu thập chủ yếu bởi các tàu khoa học từ khắp nơi trên thế giới và những con tàu phá băng mở đường. Bản đồ đáy biển rộng hơn 48 triệu km vuông, gấp đôi trong bản đồ đầu tiên của IBCSO về khu vực này. Theo BBC, nếu bạn chia 48 triệu km vuông của biểu đồ thành các ô vuông có diện tích khoảng 500 mét vuông, thì chỉ 23% trong số các ô vuông đó được đo đạc kĩ lưỡng bằng các phép đo hiện đại, còn các khu vực khác thường sẽ có độ chênh lệch lớn so với độ sâu thực tế.
Bản đồ, ngoài hữu ích cho việc điều hướng, sẽ mang lại lợi ích cho việc nghiên cứu sinh học bằng cách xác định chính xác vị trí của các ngọn núi dưới biển (gọi là vỉa), thường là điểm nóng của sự đa dạng sinh học dưới biển. Độ sâu của đại dương cũng ảnh hưởng đến sự chuyển động của các dòng chảy và sự pha trộn nước theo phương thẳng đứng, yếu tố này góp sức cho việc hình thành các mô hình khí hậu cho thấy cách các đại dương ảnh hưởng đến nhiệt độ hành tinh cũng như biến đổi khí hậu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận