Chuyển dịch năng lượng là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghệ Năng lượng - Môi trường Hà Nội 2024 (Entech Hanoi 2024), chiều 27/6, tại Hà Nội, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì, phối hợp Sở Công thương TP Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024.
Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ địa phương trên toàn quốc; đại diện các viện, trường, tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, khoa học công nghệ…
Diễn đàn được tổ chức nhằm phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu; trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mai Dương phát biểu tại sự kiện.
Đồng thời cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), theo đúng tinh thần Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Theo dự báo của Bộ Công thương, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15% trong khi nhu cầu điện năng tăng trưởng khoảng 8 - 10%/năm trong những năm tới. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ, tối ưu hóa về nguồn cung, các hệ thống truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng hiện có, việc đầu tư, phát triển các giải pháp năng lượng mới cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.
Do đó, ông Dương nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt đối với Việt Nam để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng sạch, xanh và bền vững, Việt Nam cũng đang dần khẳng định vị thế, trách nhiệm của mình trong việc phát triển năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Toàn cảnh diễn đàn.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện còn tương đối hạn chế mặc dù tiềm năng rất lớn. Nguyên nhân đến từ một số rào cản chính như: tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng chưa được khai thác tối ưu do chính sách, tài chính cũng như năng lực chuyên môn; khả năng nối lưới của các dự án năng lượng và tính ổn định của hệ thống chuyển tải điện cần được cải thiện; chi phí đầu tư cao hơn mức trung bình do giá công nghệ và dịch vụ còn cao…
Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ là yếu tố đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, song trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.
Để giải quyết các vấn đề trên, tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận chính sách và chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện trạng và định hướng phát triển khoa học công nghệ cho năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và kinh nghiệm từ các nước, hợp tác và chuyển giao công nghệ, cùng các đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ gắn với chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng