Ai là chủ nợ lớn nhất của Novaland?
Novaland hiện đang vay nợ 59.215 tỷ đồng, bao gồm 30.500 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và hơn 28.700 tỷ đồng vay nợ dài hạn, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024.
Báo cáo cho thấy vay nợ ngắn hạn của Novaland giảm 438 tỷ đồng so với đầu năm (giảm 1,4%) nhưng vay nợ dài hạn lại tăng lên 1.942 tỷ đồng (tăng 7,25%).
Tính chung cả các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn, chủ nợ lớn nhất hiện nay của Novaland vẫn là Credit Suisse AG với 10.862 tỷ đồng, tăng 449 tỷ đồng so với đầu năm.
Đứng sau là các khoản trái phiếu do các công ty chứng khoán làm đầu mối thu xếp phát hành, như Chứng khoán VPS (7.000 tỷ đồng), Chứng khoán MB (6.438 tỷ đồng), Chứng khoán dầu khí (5.892 tỷ đồng), Chứng khoán SSI (3.428 tỷ đồng).
Về phía các ngân hàng, MB và VPBank đang là 2 ngân hàng cho Novaland vay nhiều nhất, lần lượt là 2.909 tỷ đồng và 2.459 tỷ đồng. Bên cạnh đó là VietinBank cho vay hơn 2.000 tỷ đòng và TPBank cho vay gần 1.000 tỷ đồng.
Mới đây, Novaland đã tổ chức buổi cập nhật tình hình tái cấu trúc và tiến độ phát triển dự án của Tập đoàn. Tại đây, ông Dương Văn Bắc, Giám đốc tài chính Novaland cho biết, tình hình hiện đã sáng sủa hơn nhiều so với trước ông Bắc cho biết, công ty dự kiến có kế hoạch trả hết các khoản nợ vay và trái phiếu từ quý I hoặc quý II/2026.
Theo ông Bắc, từ nay đến ít nhất quý II/2025, công ty không tập trung vào việc bán sản phẩm mới mà dồn mọi nguồn lực cho khâu hoàn thiện pháp lý đến bàn giao và thu tiền các sản phẩm đã bán. Đa phần các dự án đã triển khai của doanh nghiệp dự kiến ký hợp đồng mua bán từ cuối năm nay đến đầu năm sau. Tuy nhiên, cần có thời gian để dòng tiền đổ về và được ghi nhận.
Nói về các dự án của Novaland, ông Bắc cho biết hiện có 14/16 dự án thuộc các cụm dự án đang triển khai của Novaland được tiếp tục xây dựng, với tổng hạn mức xây dựng là 12.100 tỷ đồng và đang giải ngân theo giai đoạn. Dựa trên tinh thần "lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ", nhiều nhà thầu lớn chấp thuận thi công trước và nhận thanh toán sau khi sản phẩm bán được để đồng hành cùng Novaland trong giai đoạn khó khăn. Tổng giá trị sản phẩm nếu hoàn thiện và bàn giao thu được cũng như mở bán mới ước tính gần 480.000 tỷ đồng.
"Tầm tháng 6, tháng 7/2023, các công trường của chúng tôi gần như im lìm, không có hoạt động gì. Giờ đây, mặc dù việc xây dựng chưa ồ ạt do một số dự án còn vướng pháp lý, nhưng tình hình đã khôi phục rất nhiều, chẳng hạn như tại TP.HCM có 4 dự án đang được tiến hành thi công là Sunrise Riverside, Palm Marina, Victoria Village và The Grand Manhattan", ông Dương Văn Bắc cho hay.
Một trong những dự án trọng điểm được Novaland tập trung hoàn thiện là NovaWorld Phan Thiết. Theo ông Bắc, tới 90% vấn đề pháp lý của dự án này đã được giải quyết xong, dự kiến "khép sổ pháp lý" vào tháng 9 tới đây, sau khi có thông báo tiền sử dụng đất. Mọi công tác thi công cũng được đẩy mạnh từ tháng 1/2024.
"Mọi người hỏi NovaWorld Phan Thiết còn sống hay không. Hiện tại nó rất sôi động", Giám đốc Tài chính Novaland khẳng định.
Cụ thể, NovaWorld Phan Thiết đã hoàn tất Quy hoạch chi tiết 1/500, có 1.111 sản phẩm đã được bàn giao, dự kiến tới cuối năm nay bàn giao thêm 820 sản phẩm, đặt mục tiêu bàn giao 2.069 sản phẩm năm 2025.
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét năm 2022, nợ phải trả của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland, HoSE: NVL) đạt mức gần 213.000 tỷ đồng, tăng 32,53%, chiếm 82,61% tổng nguồn vốn và cao gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu của Novaland.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Novaland chỉ tăng 8,85% lên mức 44.817,7 tỷ đồng, chỉ chiếm 17,39% tổng nguồn vốn. Do đó, Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang ở mức 4,75 lần.
Tính đến ngày 31/12/2022, khối nợ vay của Novaland tăng thêm 4.350,5 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương tăng 7,19%) lên mức gần 64.868,9 tỷ đồng, chiếm 30,5% nợ phải trả của doanh nghiệp bao gồm nợ ngân hàng 11.020 tỷ đồng, nợ phát hành trái phiếu 44.170 tỷ đồng và vay bên thứ ba là 10.373,3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí phát hành trái phiếu lên đến 694,4 tỷ đồng.
Trong đó, Novaland đang sở hữu 29.202,4 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, tăng 10.114,7 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương tăng 53% và Vay và nợ thuê tài chính dài hạn còn 35.666,5 tỷ đồng, giảm 13,91%.
Kết thúc năm 2022, Novaland đang vay Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Vietinbank 1.956 tỷ đồng dài hạn và 212,4 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) 1.050 tỷ đồng dài hạn và 500 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) 3.100 tỷ đồng dài hạn và 150 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC) hơn 337,6 tỷ đồng dài hạn; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 205,5 tỷ đồng ngắn hạn,…
Ngoài ra, Novaland vay một số ngân hàng nước ngoài như: Credit Suisse AG chi nhánh Singapore hơn 1.905 tỷ đồng ngắn hạn; Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade Filiale Deutschland 474,6 tỷ đồng dài hạn; Maybank International Labuan Branch 474,6 tỷ đồng dài hạn; Deutsche lnvestitions-und Entwicklungsgesellschaft mbH hơn 237,3 tỷ đồng dài hạn và 67,8 tỷ đồng ngắn hạn; The Hongkong and Sanghai Bankong gần 190 tỷ đồng ngắn hạn,…
Về trái phiếu, trong năm 2022, nợ trái phiếu Novaland tăng khoảng 7.280 tỷ đồng lên mức 44.170 tỷ đồng, bao gồm hơn 20.640,1 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 23.530 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Các đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu "khủng” cho Novaland gồm Credit Suisse AG (8.540 tỷ đồng); MBBank hơn 7.577 tỷ đồng); Dallas Vietnam Gamma Ltd (4.620 tỷ đồng); Công ty CP Chứng Khoán Dầu Khí (3.500 tỷ đồng), Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC (hơn 4.000 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Việt Nam Đại Chúng – PVComBank (3.000 tỷ đồng); Công ty CP Chứng khoán Tân Việt – TSVI (gần 2.195 tỷ đồng), Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (1.300 tỷ đồng),…
Ngoài ra, Novaland cũng đang vay từ bên thứ ba khoảng 10.373 tỷ đồng gồm Credit Opportunities Ill Pte. Limited (2.372,9 tỷ đồng); Seatown Private Credit Master Fund (2.342,8 tỷ đồng); Credit Suisse AG - Chi nhánh Singapore (1.305 tỷ đồng),…
Trong báo cáo phân tích phát hành ngày 10/2, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định Novaland đang chịu áp lực thanh toán nợ cao trong năm 2023 dẫn tới tiền mặt bị ảnh hưởng. Điều này thể hiện rõ trong BCTC 2022, khi tiền và các khoản tương đương tiền của Novaland (bao gồm các khoản đầu tư tiền gửi ngắn hạn) còn hơn 8.600 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, giảm 50,14% so với hồi đầu năm.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng