Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thực tế ảo mở rộng và trí tuệ nhân tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thủ đô
Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, đào tạo; là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đánh giá thực trạng cùng những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số của các cơ sở GDNN tại Thủ đô Hà Nội, vừa qua, tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Nhà trường tổ chức Hội thảo: “Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Thủ đô – Thực trạng và giải pháp”.
Tham dự hội thảo có ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), ông Nguyễn Hồng Dân – Phó GĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA; ông Mạc Văn Tiến – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, đại diện Lãnh đạo của 50 trường Đại học, Cao đẳng, Hiệp hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và 250 đại biểu tham gia.
Ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hồng Dân – Phó GĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội nhấn mạnh: “Tháng 6/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 172/KH – UBND về việc thực hiện Chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2023”. Mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đã thông qua các chủ trương chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống GDNN Quốc gia, nhấn mạnh lợi ích của chuyển đổi số so với giáo dục truyền thống: (1) đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học; (2) tạo sự đột phá trong GDNN; (3) cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời.
Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN thông qua các chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống GDNN Quốc gia.
Trong sự kiện này, đại diện duy nhất từ khối Doanh nghiệp công nghệ là bà Nguyễn Yến Hoa - Giám đốc Vận hành EON Reality Việt Nam đã mang đến phần tham luận “Chuyển đổi số Ứng dụng công nghệ Thực tế ảo mở rộng (XR) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) nâng cao năng lực, hiệu suất và chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam” cùng với phần trình diễn công nghệ gây ấn tượng với đông đảo các Đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo. Phần tham luận đã nêu ra các vấn đề, thách thức của việc ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, và các giải pháp công nghệ AI và XR có thể giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đồng thời đưa ra các dẫn chứng về tình hình áp dụng công nghệ AI và XR trong đào tạo nghề tại Việt Nam và trên thế giới.
Bà Nguyễn Yến Hoa - Giám đốc Vận hành EON Reality Việt Nam đại diện tham gia Hội thảo.
Có thể thấy rằng, vấn đề cơ bản còn tồn tại của giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam là chất lượng giáo dục chưa cao, giáo viên gặp khó khăn trong việc giảng dạy; từ đó, học sinh không tiếp thu kiến thức tốt, dẫn đến việc họ phải được đào tạo lại sau khi tốt nghiệp. Để giải quyết những thách thức hiện có, EON Reality Việt Nam đã đề xuất các giải pháp công nghệ ứng dụng XR & AI tạo ra bài giảng điện tử tự động giúp tiết kiệm thời gian, cải thiện năng lực giảng dạy của giáo viên và nâng cao năng lực học tập của sinh viên. Ngoài ra, còn là các giải pháp ứng dụng XR & AI vào đo lường, đánh giá được chất lượng đào tạo và cá nhân hóa quá trình học, giúp sinh viên tiếp cận chương trình đào tạo hiện đại và kho học liệu số khổng lồ. Tất cả những giải pháp trên đều góp phần quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ vào nâng cao hiệu suất và chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam.
EON Reality Việt Nam với phần tham luận về “Chuyển đổi số Ứng dụng công nghệ Thực tế ảo mở rộng (XR) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) nâng cao năng lực, hiệu suất và chất lượng đào tạo nghề tại Việt Nam”
Việc áp dụng công nghệ và các phương pháp giảng dạy mới không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục cho nhiều học viên. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể nâng cao tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Có thể nói, đây là Hội thảo quy mô lớn, và có sức ảnh hưởng trong Khối Đào tạo nghề và Khối Doanh nghiệp. Trong thời gian giới, EON Reality Việt Nam hứa hẹn mang đến các giải pháp Chuyển đổi số Ứng dụng công nghệ Thực tế ảo mở rộng (XR) và Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong ngành Giáo dục, đặc biệt là nâng cao năng lực, hiệu suất và chất lượng trong đào tạo nghề tại Việt Nam.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng