Bluezone bị nghi ngờ về tính bảo mật - Cục Tin học hóa nói gì?
Trước những vấn đề về bảo mật của Bluezone, đại diện Cục Tin học hoá cho biết, đội ngũ phát triển ứng dụng đã tiếp nhận các vấn đề kỹ thuật này để điều chỉnh trong thời gian tới đồng thời kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng CNTT Việt Nam để xây dựng và hoạt thiện sản phẩm.
- Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19
- NCOVI giúp người dân phòng dịch COVID-19 bằng mã QR
- Phó Chủ tịch BKAV: “Cơ quan nhà nước cần đặc biệt lưu ý bố trí đủ kinh phí cho an toàn thông tin”
Nhóm phát triển Bluezone khẳng định, tất cả các ý kiến phản biện đều được hoan nghênh và nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện phần mềm. Ảnh minh họa
Chiều ngày 25/4, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã có thông tin giải đáp một số thắc mắc về các vấn đề an toàn, bảo mật và tính mở của ứng dụng hỗ trợ phòng chống Covid-19 Bluezone.
Trong thông tin mới phát ra, Cục Tin học hóa cho biết, phần mềm Bluezone do Cục chủ trì phát triển, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và Bộ Y tế, với sự tham gia của BKAV và một số nhóm phát triển tại Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển do Cục Tin học hóa chủ trì đã tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với đại diện của Google và Apple, với nhóm phát triển ứng dụng tương tự trên thế giới là SafePaths của MIT, Hoa Kỳ để trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan.
Trước khi công bố chính thức, Bluezone đã được đánh giá bởi các đơn vị chức năng gồm: Cục Tin học hoá, Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT; đại diện của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.
Đặc biệt, ngay từ đầu Bộ TT&TT đã định hướng tạo ra một sản phẩm CNTT tốt nhất phục vụ cộng đồng và kêu gọi cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cùng tham gia đóng góp xây dựng.
Cục Tin học hóa và nhóm phát triển đã gửi thư mời hơn 100 chuyên gia cùng sử dụng, phản biện. Tất cả các ý kiến đều được hoan nghênh và nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện phần mềm. Phần mềm Bluezone sẽ liên tục được cập nhật.
Nhóm phát triển ứng dụng Bluezone khẳng định: Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy của người dùng; Ứng dụng không thu thập dữ liệu về vị trí của người dùng; Người dùng tham gia cộng đồng được ẩn danh với những người khác; Ứng dụng được mở mã nguồn để bảo đảm tính minh bạch và đóng góp cho cộng đồng trong việc chống dịch; Toàn bộ dữ liệu liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế, Bộ TT&TT quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
Cách thức hoạt động của ứng dụng Bluezone
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết thêm, nhóm phát triển có kế hoạch mở mã nguồn và công bố các tài liệu kỹ thuật vào ngày 26/4 để cả cộng đồng cùng xây dựng và đóng góp. Tuy vậy, với các vấn đề kỹ thuật, Cục kêu gọi cộng đồng chuyên gia khi có ý kiến tham gia nên trực tiếp trao đổi, thảo luận trong nhóm phát triển trước để làm rõ bản chất của vấn đề, tránh hiểu nhầm, gây hoang mang dư luận.
Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO BKAV trong buổi ra mắt ứng dụng Bluezone
Việc dùng công nghệ xác định người tiếp xúc gần là xu hướng chung mà các nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Singapore và các nước khác đều đang áp dụng. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đến thời điểm này có kế hoạch mở mã nguồn sản phẩm. Đây cũng là một bước thay đổi đột phá trong tư duy làm ứng dụng phục vụ cộng đồng.
“Trên tinh thần đó, Cục Tin học hoá kêu gọi cộng đồng công nghệ trong và ngoài nước cùng chung tay, từng phút, từng giờ vì một sản phẩm công nghệ tốt nhất cho xã hội”, đại diện Cục Tin học hóa bày tỏ.
Cũng trong chiều ngày 25/4, trên trang “Smart Vietnam”, fanpage của chương trình chuyển đổi số quốc gia do Cục Tin học hóa quản lý, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ, cuộc chiến chống Covid-19 đã kéo dài được hơn 3 tháng với sự nỗ lực và đồng lòng chưa từng thấy từ Chính phủ, chuyên gia và người dân. Một loạt các hành động cụ thể đã giúp từng bước xây dựng một Việt Nam không tiếp xúc.
Hơn 40 ngày kể từ khi công bố ứng dụng NCOVI giúp mọi người khai báo y tế tự nguyện và gần hơn nữa ứng dụng Bluezone giúp mọi người tự mình quản lý tiếp xúc gần, góp phần phòng, chống dịch, bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng nhận được đông đảo sự ủng hộ cũng như góp ý của các chuyên gia và người sử dụng.
Lần đầu tiên, giới CNTT cùng sục sôi, từng phút, từng giờ nỗ lực mang CNTT vào phục vụ cuộc sống. Có những khó khăn mệt mỏi, nhưng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện, động viên của mọi người, từ đó, đội ngũ phát triển ứng dụng có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bày tỏ sự cảm kích vì những người làm CNTT đã quan tâm tham gia phản biện và đóng góp ý kiến cho ứng dụng Bluezone, đại diện Cục Tin học hóa một lần nữa nhấn mạnh, những phản biện của người dùng cùng hơn 100 chuyên gia đã được Cục và đội ngũ phát triển ứng dụng nghiêm túc xem xét và trao đổi.
“Các vấn đề liên quan được đưa ra thảo luận trong các buổi làm việc với các đơn vị chuyên môn của trong và ngoài nước, cùng nhau tìm kiếm các các phương án với mục tiêu tạo ra một ứng dụng hữu ích cho cộng đồng, góp phần tạo nên cộng đồng kiểm soát Covid-19. Đội ngũ phát triển mong tiếp tục nhận được những đóng góp tích cực của mọi người”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
Ứng dụng Bluezone phòng chống Covid-19 đã được Bộ TT&TT và Bộ Y tế cho ra mắt ngày 18/4. Hiện người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng Google Play và Apple Store để tải và cài đặt ứng dụng Bluezone.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận