Facebook, Google sắp phải xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam
Các mạng xã hội phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nếu có lượng người sử dụng từ 1 triệu người/tháng trở lên hoặc có người sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên.
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ có luật xử lý tin giả trên mạng xã hội
- Cần quy định về việc sử dụng tên thật trên mạng xã hội
- Người đứng đầu cơ quan phải xác định trách nhiệm đảm bảo an ninh mạng
Chỉ mạng xã hội cấp phép mới có quyền livestream
Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72/2013) của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Đáng chú ý khi dự thảo Nghị định mới đã bổ sung, sửa đổi Điều 23 của Nghị định 72/2013 về Quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được hoạt động mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập mạng xã hội (đối với mạng xã hội có lượng tương tác lớn) hoặc đã thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp).
Dự thảo Nghị định này cũng phân loại khá rõ đối với các mạng xã hội.
Cụ thể, mạng xã hội có lượng tương tác lớn là những nền tảng có lượng người tương tác từ 1 triệu người/tháng trở lên, hoặc có người sử dụng đã đăng ký thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên.
Mạng xã hội có lượng tương tác thấp là những nền tảng có lượng người tương tác dưới 1 triệu người/tháng.
Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo trên các mạng xã hội để theo dõi lượng người sử dụng tương tác thường xuyên. Bộ cũng sẽ rà soát và có văn bản thông báo yêu cầu phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép đối với các mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác từ 1 triệu người/tháng trở lên hoặc có người sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên (tùy theo điều kiện nào đạt trước).
Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và cung cấp dịch vụ livestream.
Trước đó, trong bản báo cáo được Bộ TT&TT gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hồi tháng 8/2019, Bộ TT&TT chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream) trên Facebook.
Tại bản báo cáo này, Bộ TT&TT cũng cho biết đã yêu cầu Facebook phải có chính sách tiền kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.
Theo dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013, các mạng xã hội phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nếu có lượng người sử dụng từ 1 triệu người/tháng.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý dịch vụ xuyên biên giới
Đến hết tháng 12/2019, đã có tổng cộng 614 mạng xã hội được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên các mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi đó, lượng người Việt Nam sử dụng mạng Facebook là khoảng gần 60 triệu và Youtube là gần 35 triệu người.
Vào năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Kể từ thời điểm Nghị định 72/2013 được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng ngày càng trở nên phong phú. Tuy vậy, thực tế này cũng làm bộc lộ những hạn chế bất cập và những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện cụ thể.
Theo Bộ TT&TT, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp đa dịch vụ chuyên ngành trên cùng một nền tảng. Các dịch vụ có thể kể đến bao gồm dịch vụ truyền hình, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến,... Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý các dịch vụ chuyên ngành.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới điển hình là Facebook và Google đang gây tác động mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam nhưng gần như chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Do vậy, rất cần thiết phải xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013.
Theo ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận