Chuyển đổi số đang khẳng định vị thế của Việt Nam thời kỳ hậu dịch COVID-19
Trong báo cáo của WB mới được công bố cho biết dù gặp nhiều lực cản từ dịch COVID-19 nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong thời kỳ hậu dịch với những bước tăng trưởng mạnh trên nền tảng công nghệ số.
- 12 giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ra chỉ thị các doanh nghiệp công nghệ vào cuộc chống virus Corona với ứng dụng công nghệ số
- Nhiều địa phương lên kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Báo cáo có tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của dịch COVID-19” được công bố ngày 30/7 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định Việt Nam cần động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục hậu COVID-19.
Theo bản báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020, WB cho rằng kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2020 nhưng vẫn giữ được triển vọng tích cực trước mắt và trong trung hạn.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia là lựa chọn đúng đắn của Chính phủ khi đây sẽ là động lực mới để xây dựng Việt Nam hùng cường.
Trong trường hợp tình hình thế giới từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, giúp nền kinh tế đạt tăng trưởng khoảng 2,8% trong cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% năm 2021.
Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia - sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước - khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong và ngoài nước.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cũng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vì đại dịch lần này tác động đến doanh nghiệp và người dân theo nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn người lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập nhiều hơn so với nông dân.
Liên quan đến vấn đề này, bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng".
Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, “nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng COVID-19, Việt Nam có cơ hội đặc biệt để gia tăng sự hiện diện của mình trong nền kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số".
Báo cáo của WB đưa ra ba khuyến nghị về các biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện để tránh rơi vào bẫy kinh tế COVID-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó.
Biện pháp thứ nhất là cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào du khách và đầu tư nước ngoài.
Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.
Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tận dụng một số xu hướng toàn cầu, vốn đang được đẩy nhanh bởi đại dịch COVID-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước.
Chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Tương tự, dịch COVID-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc” thông qua việc đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa và qua đó giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận