Nhiều địa phương lên kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Hiện đã có 16 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- Các ông lớn ICT 'bắt tay' lập liên minh Chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ' Việt Nam hùng cường'
- Y tế số 4.0 tạo hệ thống xuyên suốt từ trung ương đến địa phương phòng chống COVID-19
Nhiều địa phương lên kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Bộ TT&TT cho biết, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01 ngày 14/1/2020. Chỉ thị đã đề ra mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và đưa ra tỷ lệ khoảng 1.000 người dân có 1 doanh nghiệp công nghệ số. Con số này tương đương với tỷ lệ của các nước phát triển để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân. Từ đó góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Sau đó, Bộ TT&TT đã triển khai một số hoạt động cụ thể như ban hành văn bản gửi các địa phương để thông báo đầu mối ở Trung ương là Vụ CNTT của Bộ TT&TT và đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố xem xét giao sở TT&TT là đầu mối ở các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đưa ra một số chỉ đạo định hướng để các địa phương có chính sách, giải pháp cụ thể phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương. Hiện nay đã có 16 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng.
Bộ TT&TT cho biết đã tổ chức các buổi làm việc với với UBND một số địa phương, trong đó đề nghị các UBND tỉnh quan tâm, tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của công nghiệp ICT. Đồng thời, đã có ý kiến đề nghị trong các Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ một số địa phương cần đưa nội dung chỉ tiêu và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Hiện nay, Bộ TT&TT đang tập trung nghiên cứu và xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020.
Đề cập đến vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chúng ta phải có định hướng để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây, phải phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp CNTT, tăng quy mô cả về số lượng và doanh thu. Tổng số doanh thu 110 tỷ USD là tiến bộ nhưng phấn đấu có quy mô tốt hơn. "Không chỉ là 50.000 mà phải phấn đấu 100.000 doanh nghiệp, không phải chỉ có một Viettel, VNPT, CMC mà phải có hàng trăm, hàng chục doanh nghiệp có quy mô lớn như thế để doanh thu, hiệu quả, số lượng người phải đông hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần.
Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đồng thời nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là hạt nhân của chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số bao gồm: Các doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực có thể làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT với số lượng khoảng 10-20 doanh nghiệp; Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; Các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platform (nền tảng) chuyển đổi số; Các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Bộ TT&TT cho biết sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này.
“Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công", Bộ trưởng Bộ TT&TT nói.
Theo Ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận