Truyền hình OTT trong nước không ngại đầu tư kênh truyền hình trực tuyến và sản xuất phim bộ độc quyền
Tự tin vào tiềm năng của thị trường OTT trong nước, Keeng đang đầu tư phát triển Keeng TV, còn Fim+ sẽ mạnh dạn đầu tư vào sản xuất phim bộ độc quyền. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước không ngại đầu tư vào công nghệ mới để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng đạt tới mức thoả mãn cao nhất.
- Truyền hình OTT - Hướng đi mới của các “nhà Đài”
- Cần có 'hàng rào' kỹ thuật để quản lý dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới
Keeengmovies có tốc độ tăng trưởng mỗi năm hai con số. (Nguồn ảnh: Internet)
Thị trường OTT còn nhiều tiềm năng để bứt phá
Trao đổi với ICTnews mới đây, cả hai nhà cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến trên nền tảng OTT (dịch vụ OTT) trong nước là Keeng và Fim+ cho biết, họ đều có mức tăng trưởng tốt từ hai con số trở lên, dịch vụ OTT đang có nhiều tiềm năng để bứt phá.
Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media cho hay, dịch vụ phim Keengmovies được xây dựng trên cộng đồng sẵn có của Keengmusic vì vậy việc phát triển cũng thuận lợi hơn so với các dịch vụ OTT khác. Keengmovies cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ theo tuần, tháng cho khách hàng lựa chọn sử dụng, hoặc cho thuê phim khi khách hàng có nhu cầu. Keengmovies có mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng 2 con số mỗi năm, bám sát mục tiêu và lộ trình phát triển mà Viettel Media đặt ra cho dịch vụ.
Còn bà Trương Nguyễn Thu Hà, CEO của Fim+ cũng chia sẻ, Fim+ chính thức ra mắt dịch vụ vào tháng 1/2016. Tính tới nay, Fim+ tăng trưởng với tốc độ trung bình 250%/năm, với gói dịch vụ được đông đảo người sử dụng nhất là dịch vụ SVOD (thuê bao tháng). Bà Hà cho rằng thị trường OTT vẫn còn rất mới, đất trống còn nhiều và nhu cầu của người dùng là rất lớn, cho nên thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Đại diện của Viettel Media và Fim+ cùng có chung nhận định về tiềm năng của thị trường OTT của Việt Nam còn rất lớn, bởi nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ OTT là giới trẻ và có nhu cầu đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ. Ông Võ Thanh Hải cho biết, người dùng Keeng chủ yếu là các bạn trẻ và giới văn phòng – đây là nhóm khách hàng thành thạo về môi trường mạng, nắm bắt nhiều thông tin nên có sự đòi hỏi cao. Vì vậy nguồn nội dung luôn phải đảm bảo có tính hấp dẫn, mới. Thời gian sử dụng dịch vụ chủ yếu là vào giờ trưa và buổi tối, đây là thời gian nghỉ ngơi sau khi học hay làm việc.
"Theo báo cáo của We are Social, hành vi xem nội dung video của người dùng Internet trong các tháng đầu năm 2019 lên tới 2h31 phút mỗi ngày, tương đương với thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày và cao hơn nhiều lần so với thời gian đọc tin tức, nghe nhạc… Con số này cho thấy tiềm năng của thị trường OTT nội dung tại Việt Nam, các doanh nghiệp có thể tự tin khi đầu tư vào lĩnh vực này", ông Hải cho biết.
Fim+ có tốc độ tăng trưởng 250% mỗi năm. Nguồn ảnh: Internet
OTT đã làm thay đổi cách người dùng xem phim
Có cùng nhận xét với ông Thanh Hải, bà Thu Hà cho rằng, người dùng trên Fim+ hiện nay hầu hết là dưới 45 tuổi, quen thuộc với Internet, với nhu cầu giải trí tại nhà cũng như ngoài nhà, trên tivi và các thiết bị di động. Việc xem theo yêu cầu, từ quan sát với người dùng của Fim+, đem lại những thói quen mới khi xem phim và giải trí. Ví dụ những thói quen như binge-watch (cày xem cho đến hết nguyên 1 bộ phim bộ) hoặc vừa xem vừa tua - bỏ qua các đoạn mà mình không thích… Người dùng ngày càng bỏ rơi thói quen xem thụ động, xem những gì nhà cung cấp chiếu từ đầu đến cuối, với khả năng xem theo yêu cầu của công nghệ mới. Những nội dung hấp dẫn người xem nhiều nhất hiện nay là phim hành động bom tấn, phim điện ảnh Việt, phim bộ Việt Nam và nước ngoài.
Theo ông Võ Thanh Hải, Viettel Media xác định chiến lược phát triển cho Keeng rất rõ nét. Mục tiêu xây dựng Keeng trở thành một OTT nội dung chất lượng cao, có bản quyền với 3 nhánh: Keengmovies, KeengTV và Keengmusic. Mô hình kinh doanh theo hướng bán nội dung (content-based business model) cho khách hàng sử dụng. Hiện tại, Keeng đang trong quá trình phát triển KeengTV – kênh TV trực tuyến, dự kiến sẽ ra mắt người dùng vào đầu năm tới.
Còn chiến lược phát triển của Fim+ là đẩy mạnh mở rộng kho phim với các bộ phim sớm nhất và mới nhất của Việt Nam và nước ngoài, đồng thời phát triển mạnh trên các nền tảng mới, đầu tư vào sản xuất phim bộ độc quyền, cũng như đầu tư vào công nghệ mới để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng đạt tới mức thoả mãn cao nhất.
Theo Ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận