TH True Milk: Liệu có phải sữa tươi sạch như là quảng cáo?
TH True Milk với tiêu chí “100% sữa tươi sạch từ đồng đất Việt Nam” đã đánh trúng với tâm lý của không ít khách hàng khi mong muốn tìm cho mình cùng gia đình nguồn sữa đảm bảo chất lượng, tuy nhiên, sữa TH True Milk thực sự có đạt chất lượng tuyệt vời như quảng cáo không hay chỉ là một chiêu PR để khách hàng tin tưởng?
“Tôi cam kết sẽ giúp những người nông dân Việt Nam tự hào về đồng đất của họ, đồng đất đã làm ra những sản phẩm mà thế giới đã chấp nhận với yêu cầu, chuẩn mực khắt khe nhất”, bà Thái Hương Nhà sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ.
Thực hiện cam kết đó, TH đã thông qua Dalat Milk - một thương hiệu khác của TH giúp người nông dân tạo ra những ly sữa chuẩn hóa, mà theo cách nói của bà Thái Hương là “ly sữa hoàn mỹ”, bằng cách áp dụng công nghệ cao, giống như đang được áp dụng tại các trang trại chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung của TH.
Bò của người nông dân cũng được gắn chip, để cả TH lẫn người nông dân có thể theo sức khỏe, bệnh viêm vú, tình trạng dinh dưỡng, động dục… thông qua hệ thống điện toán đám mây, để có thể kiểm soát chất lượng sữa, làm sao dù là sữa của bò nuôi tại các nông hộ nhưng cũng đồng nhất chất lượng với sữa ở các trang trại chăn nuôi tập trung của TH.
TH thông qua các hợp tác xã không chỉ hỗ trợ bao tiêu sản phẩm mà còn cung cấp con giống, thức ăn, vệ sinh thú y… cho người nông dân. Và quan trọng hơn là kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm sữa.
Tuy nhiên, thực tế có giống như những gì mà TH True Milk đang quảng cáo?
Tìm hiểu được biết, ngày 29/12/2017, Bộ &PTNT đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu (QCVN 01-186:2017/BNNPTNT). Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với sữa tươi nguyên liệu.
Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan.
Sữa tươi nguyên liệu trong quy chuẩn này là sữa nguyên chất dạng lỏng thu được từ bò, trâu, dê, cừu, chưa bổ sung hoặc tách bớt bất cứ thành phần nào của sữa, chưa xử lý qua bất kỳ phương pháp nào, được dùng làm nguyên liệu để chế biến.
Theo đó, một số yêu cầu được quy định cụ thể như: Số lượng tế bào soma có trong 1 ml sữa không lớn hơn 1.000.000 tế bào; về các chỉ tiêu lý, hóa như hàm lượng chất khô mức quy định ≥ 11,5%, hàm lượng chất béo mức quy định ≥ 3,2%; Số lượng vi khuẩn hiếu khí tổng số đếm được tại 30°C giới hạn tối đa cho phép là 3x106….
Dựa theo quy chuẩn trên, tìm hiểu của chúng tôi được biết: Theo Hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu của Cty CP sữa Đà Lạt (DalatMilk) và một số hộ gia đình bà L, ông H, ông T tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng một số chỉ tiêu theo hợp đồng thu mua không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Cụ thể: Tại khoản 11.2, Điều 11 của Bản Hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu. Cty CP sữa Đà Lạt (DalatMilk) sẽ tạm ngưng việc giao nhận sữa có thời hạn khi: mẫu sữa kiểm tra tại phòng thí nghiệm DalatMilk không đạt tiêu chuẩn chất lượng về tế bào thân (Soma) > 1.500.000 (tế bào/ml) tuy nhiên QCVN 01-186:2017/BNNPTNT thì số lượng tế bào có trong 1 ml sữa không lớn hơn 1.000.000 tế bào; Mẫu sữa kiểm tra tại phòng thí nghiệm DalatMilk không đạt tiêu chuẩn chất lượng về tỷ lệ vật chất khô không béo (SNF) ≤ 8,1% tuy nhiên theo QCVN 01-186:2017/BNNPTNT mức quy định hàm lượng chất khô ≥ 11,5%; Mẫu sữa kiểm tra tại phòng thí nghiệm DalatMilk không đạt tiêu chuẩn chất lượng về tỷ lệ béo (FAT) ≤ 3,0% tuy nhiên theo QCVN 01-186:2017/BNNPTNT mức quy định hàm lượng chất béo ≥ 3,2%.
Bên cạnh đó, dựa theo Phụ lục 02 của bản hợp đồng mua bán sữa nguyên liệu, giá sữa cơ sở chỉ có giá 12.000 đồng/kg. Điểm đặc biệt của phụ lục này là phần khấu trừ/trả thêm cho giá sữa cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn chất lượng của sữa.
Theo đó, một số tiêu chuẩn như tỷ lệ khô không béo, tổng tạp trùng, tế bào thân, chất trộn thêm vào…nếu không đạt tiêu chuẩn thay vì việc kiên quyết không thu mua thì DalatMilk lại trừ tiền vào giá sữa cơ sở.
Điều này không đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật đồng thời của thể tạo tiền lệ xấu khi các hộ chăn nuôi không đảm bảo chất lượng sữa nhưng vẫn được thu mua.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận