Ký ức mùa trăng
Đạo diễn nổi tiếng Trương Công Tú chia sẻ về những cảm xúc và hoài niệm Trung Thu thời xưa: Chẳng hiểu sao mà trong tâm thức người Việt, ai cũng mê luyến cái lũy tre làng; ai cũng thấy nhẹ nhõm khi bắt gặp cây đa, bến nước, mái đình; Ai cũng hạnh phúc khi dựa vào tuổi thơ, nao lòng thương về những ngày trong trẻo. Ai cũng náo nức rộn ràng khi hoài nhớ về những mùa trăng chưa xa lắm…
- Tết Trung thu 2020 - Đêm hội trăng rằm của trẻ em vùng sâu của Bình Thuận
- Tái hiện Tết Trung thu của Hà Nội xưa trong lòng di sản Hoàng thành Thăng Long
- Cặp bánh Trung thu truyền thống đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam
Đạo diễn nổi tiếng Trương Công Tú chia sẻ về hoài niệm Trung Thu thời xưa
Những thế hệ trước khi nhìn về văn hóa thường tiếc cho những thế hệ sau. Tiếc vì những kẻ hậu sinh không được nghe quan họ gốc, không được biết một đình làng truyền thống đích thực hình dáng như thế nào, không có được một không khí gia đình, họ tộc, làng xóm đậm đà tình nghĩa tắt lửa tối đèn, môi hở răng lạnh, thấm đẫm tình người mà chỉ nhớ lại thôi cũng thấy ấm lòng, ấm khóe mắt.
Tiếc, cảm thông cho một cuộc sống điên rồ vì tốc độ và công nghệ, quay cuồng với mưu sinh, để rồi trẻ em mất đi tuổi thơ, người lớn chẳng mấy ai được thưởng thức một cuộc sống đích thực.
Mỗi tối mệt mỏi lê bước về nhà, lại nao lòng nhớ về một thời sống chậm. Sống, cũng như nhai cơm, thật chậm thật chậm thôi mới thưởng thức được vị ngọt của hạt gạo quê hương, một vị ngọt thơm thuần khiết như dòng sữa mẹ.
Nhớ những đêm trải chiếu ra sân nhà, nằm ngắm trăng sao thả cho trí tưởng tượng bay bổng, thi thoảng giật mình bởi tiếng cười giòn giã sảng khoái của những vị khách hàng xóm qua chơi đang nói chuyện trong nhà, những tiếng cười như đã tuyệt chủng trong cuộc sống nhiều toan tính.
Nhớ những nu na nu nống đánh trống phất cờ, nhớ thả đỉa ba ba, nhớ chi chi chành chành… Nhớ cả một tuổi thơ ngập tràn màu sắc và tiếng cười bè bạn.
Tôi lại lạc vào mình, lãng đãng bao mùa trăng thơ dại. Tết là của mọi người nhưng trung thu nhất định là tết của riêng thiếu nhi. Bao náo nức, bao hân hoan, bao hồi hộp với những niềm tin không thể lay chuyển về chú Cuội và chị Hằng, niềm tin mà có lẽ chẳng đứa trẻ lớp 1 nào bây giờ còn tin nữa. Phải chăng hạnh phúc là khi biết tin cả vào những điều không có thực?!
Tôi vẫn nhớ như in những tự hào khi được dẫn đầu đoàn rước đèn ông sao đi dọc phố, một niềm tự hào lớn lao không khác những cảm xúc trong ngày khai giảng khi lên lớp 2 đứng nhìn các em lớp 1 khép nép nhập học.
Vẫn nhớ những tiếng khóc thất thanh của con bé hàng xóm khi cây nến trong đèn nó bị đổ, cháy hết cả giấy bạc; vẫn chưa quên niềm ngưỡng mộ chú hàng xóm với cây đèn kéo quân quay tít; tôi vẫn nhớ vị chiếc bánh nướng bánh dẻo mà mỗi năm mới được ăn một lần, thơm ngọt đến tận bây giờ.
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cần đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan
Chợt giật mình, phải chăng ký ức của mình, của anh chị cha mẹ mình cũng gần gần giống nhau, giống ở cái tinh thần đượm niềm tin cảm xúc. Để giờ đây trong cuộc sống no đủ, không sao lấp đầy được cái tinh thần thiêng liêng ấy nữa.
Tất cả ê hề nhưng tầm thường, nhợt nhạt và thiếu cá tính. Trăng không còn là ông trăng mà là một hành tinh xa lạ với những cảm xúc con người. Đó phải chăng là cái giá của sự phát triển? Tự trong sâu lắng của tâm hồn, không dám tin là vậy! Bỗng thấy lo ngại cho nền tảng tinh thần của những thế hệ sau. \
Sẽ ra sao khi không có một tuổi thơ đích thực để dựa vào? Không có niềm tin để tin? Sẽ ra sao khi một tinh thần lớn lên không bằng nguồn sữa của những mạch nguồn dân tộc?!!!
Ở miền ký ức, trăng gần gũi thân thương lắm. Vậy mà giờ đây sống trong những tòa nhà chọc trời, sao trăng cứ dần xa?!
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận