Cách mạng công nghệ 4.0 tác động đến lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật
“Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội. Đây là hội thảo do Bộ VHTT&DL tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước cùng chia sẻ làm rõ những tác động của cách mạng 4.0 tới các lĩnh vực nêu trên.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là những lĩnh vực đề cao tính sáng tạo của cá nhân, nghệ sỹ. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến các mặt của đời sống xã hội, khoa học công nghệ, thiết bị thông minh bao trùm lên mọi lĩnh vực. Nhiều phần mềm thiết kế đồ họa, xử lý hình ảnh được phổ biến rộng rãi…
Việc ứng dụng các công nghệ mới nhằm hỗ trợ người nghệ sỹ hình thành và sáng tạo sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật; lưu trữ bằng công nghệ số giúp chia sẻ, kết nối nhanh chóng thông qua mạng internet như dịch vụ văn hóa… Thế nhưng xu hướng phát triển các công nghệ mới cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho lực lượng sáng tác và cả nhà quản lý.
Tiến sỹ Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã làm thay đổi căn bản các yếu tố chính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm như phương thức sáng tạo, hình thức phổ biến các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng, phương thức thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng cũng đã thay đổi.
Ngoài ra còn phải chú trọng đến vấn để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật bởi công nghệ thông tin và internet đã tạo ra cơ hội tiếp cận, chia sẻ rất nhanh chóng, rộng rãi các tác phẩm đó. Số lượng nghệ sỹ tạo hình của Việt Nam ngày càng đông đảo, đặc biệt là nghệ sỹ trẻ.
Họ là thế hệ thứ 4 của mỹ thuật Việt Nam, năng động, sáng tạo, hướng về tìm tòi cái mới và nhanh chóng bắt nhịp với thời kì đổi mới. Nhiều người tham gia các cuộc thi trong nước, quốc tế, giành được giải thưởng có chất lượng nghệ thuật. Trong lĩnh vực mỹ thuật cũng đã và đang hình thành một đội ngũ họa sỹ kỹ thuật số…
Theo Thạc sỹ Nguyễn Lâm Tuấn Anh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Công nghệ số sẽ ngày càng tác động nhiều hơn đến hầu hết các khâu từ sáng tạo đến phân phối, tiêu dùng nghệ thuật. Không những thế, công nghệ số sẽ làm thay đổi cách thức đào tạo, thay đổi phương thức giáo dục nghệ thuật truyền thống trước đây. Giáo dục nghệ thuật sử dụng công nghệ mới, chủ yếu là đào tạo từ xa sẽ giảm khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ đào tạo liên quan đến nghệ thuật vốn khá rõ rệt trước đây.
Thế nhưng hiện tại ở hầu hết các cơ sở đào tạo chính quy về mỹ thuật ở Việt Nam, chương trình học còn nặng về kỹ năng chuyên môn và thiếu kiến thức văn hóa, mỹ thuật nền tảng trong nước, thế giới. Phương pháp giảng dạy chưa thực sự thúc đẩy tính sáng tạo của người học, từ đây hình thành một thế hệ sinh viên mỹ thuật khi ra trường đã sáng tạo ra không nhiều tác phẩm mang dấu ấn cá nhân.
Hầu hết nhân lực của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, thành tựu mới về công nghệ, chưa nhận thức được tầm quan trọng cũng như nắm bắt ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tác phẩm, sản phẩm và dịch vụ có hiệu quả, đảm bảo tác quyền, đúng pháp luật. Đây là thách thức không nhỏ…
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận