Công nghệ cao tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam
Sáng ngày 19/7, tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông & nông nghiệp “Phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” với sự tham gia của các tỉnh trong khu vực.
Tiến sĩ Trần Văn Mạnh (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đánh giá, việc phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao nói riêng và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung là hướng đi đúng, tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2018, sản xuất rau cả nước ước đạt 961.500 ha, tăng 23.300 ha so năm 2017; năng suất 177,8 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha và sản lượng ước gần 17,09 triệu tấn, tăng khoảng 754.500 tấn. Trong số đó, các tỉnh phía Nam đạt diện tích 518.300 ha, tăng 9.400 ha so năm 2017 với năng suất hơn 190 tạ/ ha, tăng 4,3 tạ/ha và sản lượng trên 9,8 triệu tấn, tăng 398.000 tấn.Mặc dù tăng trưởng tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất rau an toàn và rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử như việc quy hoạch còn yếu, cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu liên kết chặt chẽ… nên cần có những biện pháp tháo gỡ để nông dân làm giàu bền vững; đồng thời, tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao đáp ứng thị trường.
Góp phần giải đáp bài toán về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên rau an toàn, Trung tâm Khuyến nông Tp.Hồ Chí Minh có mô hình tổ chức sản xuất rau theo chuỗi liên kết với nhiều chính sách hỗ trợ cần thiết được các doanh nghiệp và nông dân tham gia hoan nghênh. Cụ thể, mô hình có sự kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với đơn vị thu mua sản phẩm, tổ chức các Chợ phiên nông sản an toàn của Tp. Hồ Chí Minh,…
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long giới thiệu tại Diễn đàn những mô hình rau ứng dụng công nghệ cao đang phát triển tại địa phương, mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân như: trồng rau và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới công nghệ cao; trồng nấm trong nhà, …
Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Tiền Giang có trên 58.500 ha trồng rau, mỗi năm đạt sản lượng hơn 1,14 triệu tấn rau các loại. Nhiều năm nay, nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến như: sản xuất rau an toàn; VietGAP; sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; quản lý dịch hại tổng hợp; tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất... Nhiều hợp tác xã rau an toàn còn liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị để giải quyết đầu ra cho nông sản và nông dân hưởng lợi.
Nông dân Nguyễn Thanh Quang, tham gia vào HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thạnh, huyện Gò Công Tây cho biết, gia nhập kinh tế hợp tác, trồng rau an toàn theo chuỗi giá trị, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới thu nhiều mối lợi. Năng suất rau tăng từ 17 tấn/ha trước đây lên 25 tấn/ha hiện nay và được bao tiêu cao hơn giá thương lái thu mua bên ngoài từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg tùy chủng loại. Nhờ đó, lợi nhuận tăng thêm bình quân 25 triệu đồng/ha/năm, chưa kể giảm được 80% công lao động và 50% lượng nước tưới.
Để phát huy những tiềm năng và lợi thế nghề trồng rau các tỉnh phía Nam thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra nhiều giải pháp tại Diễn đàn. Đó là phát huy tiềm năng kinh tế từng địa phương, từng tiểu vùng sinh thái để phát triển những cây rau có lợi thế cạnh tranh; làm tốt quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Đặc biệt, hình thành các chuỗi liên kết rau an toàn có sự tham gia tích cực của người sản xuất - sơ chế - chế biến - phân phối - kinh doanh – tiêu thụ; đồng thời, xây dựng và phát triển mạnh mạng lưới tiêu thụ rau an toàn dưới nhiều hình thức; quan tâm tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác rau an toàn cho nông dân trồng rau, nhất là các vùng chuyên canh.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận