Từ “Sánh vai với các cường quốc, năm châu” đến “khát vọng Việt Nam hùng cường”
Trọng trách “sánh vai với các cường quốc, năm châu” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên vai các thế hệ trẻ chỉ 3 ngày sau khi lập nước đã được các thế hệ ngày nay tiếp bước để xây dựng bằng “khát vọng về một Việt Nam hùng cường”.
- Các ông lớn ICT 'bắt tay' lập liên minh Chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ' Việt Nam hùng cường'
- Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Make in Viet Nam
- Cơ hội cho nền tảng số "Make in Việt Nam"
Từ khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu”…
Lời căn dặn của Bác vẫn đang được các thế hệ học sinh qua các thời kỳ vẫn giữ nguyên giá trị.
Trong bức thư gửi các học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về đất nước hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập. Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Chọn thời điểm ngay sau ngày Quốc khánh, đúng vào ngày khai trường đầu tiên, chọn đối tượng là các em học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước để truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin về xây dựng đất nước hùng cường, có lẽ không có sự lựa chọn nào thích hợp hơn. Vì như Bác thường nói: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và xây dựng đất nước hùng cường là sự nghiệp của trăm năm.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, trưởng thành cả về phẩm chất, năng lực, giành nhiều thành tích cao, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới.
Thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam thực sự làm rạng danh đất nước, đặt nền móng vững chắc, tạo tiền đề đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt là trong thời kỳ xuất hiện nền kinh tế mới được hình thành từ 4 thành tựu vĩ đại của khoa học và công nghệ với trọng tâm là dựa vào việc sáng tạo, chế biến, ứng dụng những tri thức (Knowledge) để tạo ra giá trị gia tăng cao nhất.
… đến “khát vọng về một Việt Nam hùng cường”
Khát vọng về một Việt Nam hùng cường không chỉ là của riêng mỗi cá nhân và không chỉ ở thời điểm hiện tại mà điều đó luôn nằm trong huyết quản của người Việt được truyền nối qua nhiều thế hệ. Chỉ có điều, ở thời điểm hiện tại, khát vọng hùng cường cho Việt Nam trở nên mạnh mẽ, thôi thúc, khi nhiều điều kiện của chúng ta đã chín muồi.
Một Việt Nam hùng cường đang hiệu hữu hơn bao giờ hết.
Năm 2019 khép lại với những thành tựu kinh tế chưa từng có. Đó là xuất nhập khẩu lần đầu vượt 500 tỷ USD, xuất siêu thiết lập kỷ lục ở mức 9,94 tỷ USD, dự trữ ngoại hối lên tới hơn 79 tỷ USD. Mức tăng trưởng GDP đạt 7,02% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Kể từ khi bắt đầu mở cửa năm 1986, đến nay Việt Nam đã trở thành đối tác cởi mở và tin cậy của thế giới trên nhiều phương diện. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận 2 trọng trách lớn: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Những thành tựu về kinh tế - xã hội cũng như vị trí trên trường quốc tế cho thấy thế và lực của đất nước đang đi lên. Điều này là hệ quả tất yếu của một quá trình tích lũy bằng đổi mới kinh tế, phát triển xã hội cũng như tích cực hội nhập quốc tế trong hàng chục năm qua. Đó là hành trình đi lên của khát vọng, hành trình của những nỗ lực không biết mệt mỏi.
Mặc dù còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng thế và lực của đất nước hiện nay khiến chúng ta có thể tự tin đi tới với khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 - mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Trong tiến trình của mình, mỗi đất nước muốn phát triển cần xác định đúng, huy động được những lợi thế, tài nguyên của mình. Trong quá khứ, vào những năm tháng thử thách cam go nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trọn vẹn niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”.
Ngày nay, lòng yêu nước, niềm tin vào sức sống mãnh liệt, trường tồn của dân tộc, kết hợp với trí tuệ, sự nỗ lực phấn đấu, khát vọng vươn lên của mỗi con người Việt Nam sẽ là nguồn năng lượng sung mãn cho sự phát triển của đất nước trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận