Người dùng đang "ngập" trong không gian phẳng của Internet
Người dùng Internet ngày nay đang "chìm ngập" trong mô hình thuê bao trả phí (subscription) khi sử dụng các dịch vụ miễn phí, từ đọc tin tức đến xem truyền hình trong thời đại 5G.
Khi quảng cáo ‘nhà tôi ba đời sỏi thận’ làm loạn YouTube, người dùng đã phải nghĩ ra rất nhiều cách để né quảng cáo khó chịu. Một trong số những cách cơ bản nhất là mua gói Premium của YouTube với mức phí chỉ dưới 5 USD/tháng. Thực tế, gói này chưa khả dụng ở Việt Nam và người Việt mua ‘lậu’ qua một nước giá rẻ như Ấn Độ.
Nhưng YouTube không phải là duy nhất, ngày nay người dùng Internet đang phải gánh một đống phí hàng tháng, được gọi với thuật ngữ chung là subscription. Đây là mô hình kinh doanh nở rộ từ giữa thập niên 2000, xuất phát từ các phần mềm bị bẻ khóa (crack).
Thời đó, các nhà phát triển đã phát minh ra một phương thức chống crack hiệu quả là đổi từ mô hình trả phí một lần sang thuê bao. Với mô hình mới này, người dùng không còn quyền sở hữu vĩnh viễn với phần mềm mà buộc phải trả phí hàng tháng để duy trì việc cập nhật phiên bản mới thường xuyên.
Các phần mềm, dịch vụ bản quyền được bán tràn lan trên mạng với giá rất rẻ do được mua lậu.
Một trong số những ví dụ tiêu biểu nhất là các phần mềm diệt virus và hỗ trợ tải file thời tiền Y2K. Ngày nay, chỉ còn lại một số ít các phần mềm bán bản quyền một lần trọn đời (lifetime) như WinRar hay WinZip.
Bước vào kỷ nguyên Internet vạn vật, khái niệm thuê bao trả phí càng phổ biến hơn nữa. Một người dùng phổ thông ngày nay sẽ phải cõng trên mình những khoản phí hết sức cơ bản như phí dung lượng Gmail (5 USD/tháng), tài khoản Netflix để xem phim bản quyền (9 USD/tháng), tài khoản YouTube Premium để bỏ qua quảng cáo (5 USD/tháng)...
Đó là lý do các dịch vụ dùng tài khoản ‘lậu’ nở rộ, được rao bán công khai trên mạng với giá chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/tháng.
Nhìn sang một lĩnh vực tưởng chừng như không liên quan là ô tô, ít ai ngờ rằng các hãng siêu xe đến một ngày đẹp trời cũng tranh thủ chạy theo mô hình thuê bao trả phí này.
Các hãng xe hơi như BMW hay Mercedes đều phát triển cửa hàng trực tuyến riêng để bán những gói trả phí đắt đỏ OTA (over-the-air) trên xe. Chẳng hạn, gói chìa khóa thông minh (kết nối mở khóa xe với điện thoại) có giá từ 94 USD/tháng, gói tra cứu lịch trình online có giá 10 USD/tháng và gói bật tắt đèn pha có giá 207 USD (vĩnh viễn).
Đó chỉ là một vài trong số hàng tá gói thu phí có giá từ vài chục đến vài trăm USD mà người dùng phải bỏ tiền mua thêm trên các siêu xe của hãng BMW. Thực tế, những dòng xe lai (hybrid) của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới hiện nay đều tích hợp cửa hàng trực tuyến bán các gói trả phí như vậy (microtransaction).
Các hãng xe hơi ngày nay cũng chạy theo mô hình thuê bao trả phí để bán những gói có liên quan đến OTA.
Dù vậy, miễn phí để sử dụng không phải lúc nào cũng tốt. Các dịch vụ lưu trữ miễn phí (hosting) giúp các trang web phim lậu, truyện tranh lậu, phim người lớn có chỗ để chứa kho dữ liệu khổng lồ của mình.
Đấy là chưa kể nhiều trang web lậu còn ăn cắp đường dẫn lẫn nhau (hotlink) để tối ưu chi phí máy chủ, đường truyền, qua đó bỏ túi khoản lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, các tường phí hàng tháng chính là một phần quan trọng giúp ngăn chặn ngành công nghiệp làm lậu trên Internet.
Đó có thể là lý do khiến Google Photos tuyên bố thu phí kể từ ngày 01/06 cùng với các chính sách tương tự chung cho Gmail, Google Drive hay Google Workspace.
Ngày nay, các dịch vụ lưu trữ như iCloud, Dropbox hay OneDrive đều đã không còn miễn phí, mở đường cho một kỷ nguyên bùng nổ dịch vụ thuê bao trả phí thời đại điện toán đám mây (cloud computing).
Trong đó, các game bom tấn cũng được hứa hẹn có thể chơi được mà không cần máy tính cấu hình khủng với một mức phí chỉ từ 5 USD/tháng. Phải chăng đến một ngày không xa đến lượt các game thủ cũng sẽ phải làm quen với cuộc sống thuê game để chơi trên mây thay vì mua đứt nó để đặt trong tủ kính?
Theo Tạp chí điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận