Nâng cao chất lượng thông tin di động
Dịch vụ viễn thông băng rộng làm nền tảng cho hạ tầng kết nối số vẫn duy trì được tốc độ phát triển hai con số, băng thông kết nối quốc tế tăng mạnh so với những năm trước đây. Với sự bùng nổ nhanh chóng của các dịch vụ video độ phân giải cao, dịch vụ truyền hình Internet, bên cạnh yếu tố giá cả, nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, xã hội.
Năm 2018 được đánh giá là năm thành công toàn diện của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế ngành TT&TT tiếp tục đạt được những thành tựu đáng khích lệ, doanh thu toàn Ngành đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của cả nước. Viễn thông vẫn là một trong những lĩnh vực chủ đạo của ngành TT&TT và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của ngành, mặc dù không còn bùng nổ như những năm trước đây. Doanh thu viễn thông vẫn giữ được mức tăng trưởng so với năm 2017 trong bối cảnh các dịch vụ truyền thống (dịch vụ có tỷ trọng đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu dịch vụ viễn thông) trước đây đã ở trạng thái bão hòa.
Dịch vụ viễn thông băng rộng làm nền tảng cho hạ tầng kết nối số vẫn duy trì được tốc độ phát triển hai con số, băng thông kết nối quốc tế tăng mạnh so với những năm trước đây. Với sự bùng nổ nhanh chóng của các dịch vụ video độ phân giải cao, dịch vụ truyền hình Internet, bên cạnh yếu tố giá cả, nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, xã hội.
Trong thời gian qua, chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung, chất lượng dịch vụ di động nói riêng luôn được các doanh nghiệp nỗ lực duy trì và ngày một nâng cao. Với công nghệ 4G/LTE - Adv tốc độ truy nhập Internet di động tại Việt Nam đã đạt trên 21Mpbs, theo báo cáo đánh giá của Speedtest tháng 11/2018, tốc độ truy nhập Internet di động 4G trung bình của Vinaphone, Mobifone và Viettel tại Hà Nội đạt 30Mbps theo kết quả đo kiểm của Cục Viễn thông tháng 12/2018. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, thứ hạng tốc độ truy nhập Internet di động tại Việt Nam không tăng, luôn chỉ ở mức trung bình thấp. Cụ thể, tháng 11/2018 4G Mark đánh giá Việt Nam xếp thứ 52/106 quốc gia đối với băng rộng di động; SpeedTest đánh giá tốc độc truy nhập Internet di động tại Việt Nam đứng thứ 68/123 nước khảo sát và chỉ bằng 30% nước cao nhất là Iceland, bằng 37% so với Singapore.
Nguyên nhân chưa thực sự bứt phá về chất lượng dịch vụ thông tin di động là:
- Băng tần dành cho 4G hiện là khá thấp. Theo kết quả khảo sát đối với 50 nhà mạng trên 17 quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng hàng cuối về băng tần dành cho 4G LTE-Adv với băng thông 15*2 MHz mỗi nhà mạng, trong khi SK Telecom của Hàn Quốc con số này là 70*2MHz, Telstra của Úc là 80*2 MHz, China Mobile của Trung Quốc có đến 220 MHz (tương đương 110*2 MHz).
- Vẫn còn các gói cước có giá data rất cao và hạ băng thông sau khi hết dung lượng tốc độ
Những vấn đề này đã và đang đặt ra những nhiệm vụ, những bài toán cụ thể cho Cục Viễn thông trong việc định hướng cơ chế chính sách, giải quyết, xử lý những bất cập, tồn tại để nâng cao chất lượng thông tin di động, hướng tới tăng gấp đôi tốc độ truy nhập Internet di động vào cuối năm 2020.
Trong năm 2019, Cục viễn thông sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp sau:
- Phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện đẩy nhanh tiến độ cấp phép tần số băng (2600MHz) cho doanh nghiệp di động cung cấp dịch vụ di động 4G/LTE-Adv.
- Xây dựng lộ trình loại bỏ các công nghệ di động thế hệ cũ, quy hoạch lại tài nguyên phục vụ cho việc triển khai các công nghệ mới. Cục Viễn thông sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp di động đánh giá ưu nhược điểm và tác động của việc tắt sóng 3G hoặc 2G để giải phóng băng chuyển sang dùng cho 4G báo cáo Bộ để có thể tuyên bố Kế hoạch tắt sóng 3G hoặc 2G trong thời gian sớm nhất.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp di động rà soát và tiến tới loại bỏ các gói cước có giá dịch vụ data cao và hạ băng thông sau khi hết lưu lượng tốc độ cao, thay thế bằng cách thức tính cước linh hoạt hơn.
- Cấp phép thử nghiệm dịch vụ di động 5G ngay từ tháng 01 năm 2019 để sớm khẳng định tính khả thi của công nghệ này trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Cấp phép cung cấp dịch vụ di động 5G cho doanh nghiệp thông tin di động trong năm 2020.
- Tăng cường, thường xuyên đo kiểm và công bố công khai chất lượng dịch vụ thông tin di động, kết hợp với triển khai thông thoáng dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, nhằm tạo ra một thị trường di động cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nguyễn Phi Tuyến / Giám đốc Trung tâm Đo lường, Cục Viễn thông
Trích bài tham luận của ông Nguyễn Phi Tuyến Giám đốc Trung tâm Đo lường, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 15/01/2019.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận