Kết quả nghiên cứu mới: Người mắc COVID-19 già hay trẻ đều tạo ra kháng thể
Một nghiên cứu mới tại Trường Y Icahn, Mỹ mang đến hi vọng cho cuộc chiến chống lại virus corona: gần như tất cả những người mắc COVID-19, bất kể tuổi tác, giới tính hay mức độ nghiêm trọng của bệnh tình, đều tạo ra kháng thể chống virus này.
- Bộ Y tế hội chẩn trực tuyến để chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hy vọng mới trong phát triển thuốc chữa SARS-CoV-2
- Khó khăn và thuận lợi khi triển khai nền tảng Telehealth - khám chữa bệnh từ xa
Nhiều nghiên cứu nhỏ đã cung cấp lý do để chúng ta có thể hi vọng rằng người đã từng mắc COVID-19 sẽ có được mức độ miễn dịch nào đó trước virus corona - Ảnh: AFP
Nghiên cứu, đăng tải trực tuyến hôm 5/5 nhưng đã được các chuyên gia phản biện, cũng chỉ ra rằng bất cứ ai đã hồi phục sau khi nhiễm virus corona có thể an toàn trở lại làm việc dù không rõ sự bảo vệ này kéo dài trong bao lâu.
"Đây là tin tức tốt lành", bà Angela Rasmussen, nhà virus học tại ĐH Columbia ở New York và không liên quan đến nghiên cứu trên, nói với báo New York Times ngày 7/5.
Kháng thể là các phân tử miễn dịch được cơ thể sản xuất ra để chống lại các mầm bệnh. Sự hiện diện của kháng thể trong máu có nghĩa là cơ thể được bảo vệ ở một mức độ nào đó trước mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Hiện nay các quan chức y tế ở một số nước, bao gồm Mỹ, đã đặt hi vọng vào các xét nghiệm có thể phát hiện các kháng thể đối với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) để làm căn cứ quyết định một người có miễn dịch với virus hay không và cho phép một người có thể quay trở lại làm việc.
Những người đã có miễn dịch với virus có thể thay thế cho những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong những khu vực có rủi ro lây nhiễm cao trong bệnh viện, dựng nên cái mà các nhà nghiên cứu gọi là "lá chắn miễn dịch" trong cộng đồng.
Hầu hết các xét nghiệm kháng thể đều cho kết quả dương tính giả. Tuy nhiên, nghiên cứu mới dựa trên một xét nghiệm, được phát triển bởi nhà virus học Florian Krammer tại Trường Y Icahn, thuộc hệ thống y tế Mount Sinai của thành phố New York, vốn có ít hơn 1% khả năng ra kết quả dương tính giả.
Rất nhiều nghiên cứu nhỏ đã cung cấp lý do để chúng ta có thể hi vọng rằng người đã từng mắc COVID-19 sẽ có được mức độ miễn dịch nào đó trước virus corona.
Báo New York Times ngày 7/5 cho biết nghiên cứu mới là nghiên cứu có quy mô lớn nhất liên quan đến vấn đề này từng được thực hiện cho đến nay, với kết quả từ 1.343 người ở thành phố New York.
Nhóm nghiên cứu tại Mount Sinai đã tiến hành xét nghiệm cho những người đăng ký hiến huyết tương, kháng thể được chiết xuất từ máu. Bác sĩ Ania Wajnberg, dẫn đầu dự án này, cho biết đã có hơn 15.000 người ghi danh vào dự án.
Nghiên cứu mới là bản phân tích các kết quả từ những người hiến tặng đầu tiên. Nhìn chung, chỉ có 3% những người tham gia dự án đã phải cấp cứu hoặc nhập viện điều trị trong thời gian mắc COVID-19. Những người còn lại có triệu chứng nhẹ hoặc vừa.
Nghiên cứu cũng giúp xóa đi nỗi lo lắng rằng chỉ một số người, ví dụ như những người bệnh nặng, mới có kháng thể. Thực tế, mức độ kháng thể không khác nhau theo tuổi tác hay giới tính, thậm chí những người chỉ có triệu chứng COVID-19 nhẹ cũng tạo ra một lượng kháng thể đủ mạnh.
Có kháng thể không giống như có khả năng miễn dịch với virus corona. Tuy nhiên, trong nghiên cứu trước đây, nhóm của ông Krammer đã chỉ ra rằng mức độ kháng thể có thể liên quan chặt chẽ với khả năng giải giáp virus, chìa khóa của sự miễn dịch.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận