Chuyển đổi IPv6, phục vụ chính quyền số, đô thị thông minh
Theo định hướng đến 2030, Bắc Giang sẽ triển khai mở rộng các dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực khác làm thay đổi cơ bản, toàn diện phương thức lãnh đạo chỉ đạo của các cơ quan đơn vị, hỗ trợ tích cực công tác chuyển đổi số, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp càng nhiều các dịch vụ thông minh trên nền tảng hạ tầng dữ liệu ĐTTM.
Một góc thành phố Bắc Giang nhìn từ trên cao.
Người dân được hưởng những lợi ích của ĐTTM, bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó phát huy sáng tạo, tích cực tham gia vào phát triển kinh tế xã hội.
Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 319/KH-UBND ngày 27/5/2022 về chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 – 2025.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định việc chuyển đổi sang IPv6 nhằm sẵn sàng về công nghệ, đảm bảo tài nguyên cho quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ công nghệ thông tin và kết nối Internet của các cơ quan nhà nước; đảm bảo phù hợp với sự phát triển bền vững của mạng Internet và xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới đang dần thay thế địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt.
Đặc biệt, việc chuyển đổi IPv6 cũng sẽ giúp đáp ứng các dịch vụ mới của chính quyền số, ĐTTM, các dịch vụ 4G/5G.
Giao thức Internet phiên bản 4 (IPv4) không được thiết kế cho kỷ nguyên Internet of Things (IoT), do bị giới hạn ở khối lượng địa chỉ. Vì thế, giao thức mạng IPv6 đã được nghiên cứu và cho ra đời nhằm thay thế IPv4, phục vụ tiếp nối các hoạt động mạng, dịch vụ Internet.
Các chuyên gia nhận thấy triển khai IoT sẽ không thể tách rời IPv6. Với việc cung cấp số lượng địa chỉ gần như không giới hạn và các tính năng mới, đồng thời cho phép cấu hình thiết bị dễ dàng hơn, cải thiện bảo mật, IPv6 trở thành giải pháp tối ưu cho kết nối mạng IoT, triển khai ĐTTM.
Công tác chuyển đổi sang IPv6 tại Bắc Giang được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi IPv6 của tỉnh và quy hoạch, phân hoạch khối địa chỉ được cấp và thực hiện duy trì khối địa IPv6 và số hiệu mạng ASN cho hệ thống thông tin của tỉnh.
Giai đoạn 2, tỉnh sẽ thực hiện kết nối thử nghiệm, định tuyến qua IPv4/IPv6, nâng cấp phần mềm, ứng dụng hỗ trợ IPv4/IPv6 và thử nghiệm chạy ứng dụng, dịch vụ với IPv6.
Giai đoạn 3 sẽ tiến hành chuyển đổi IPv6 cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, cho kết nối WAN tới các cơ quan, đơn vị và cho toàn bộ hệ thống CNTT nội bộ và các dịch vụ có kết nối Internet còn lại. Theo Kế hoạch, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được thực hiện trong năm 2022, giai đoạn 3 thực hiện từ năm 2023 đến 2025.
Tại Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ nhiệm vụ chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ IPv6. Bộ TT&TT đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ CNTT của các bộ, ngành trong phát triển chính phủ số.
Bộ TT&TT nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 sẽ bao gồm việc ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ CNTT của bộ, ngành bám sát Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Chương trình IPv6 for Gov) và đồng bộ với kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận