Chuyển đổi số: Không còn chỗ cho 'chần chừ và lê bước'
Những Chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Không dừng lại ở khẩu hiệu, nhiều doanh nghiệp đã có cuộc chuyển mình sang ứng dụng công nghệ số.
Doanh nghiệp trong cuộc đua chuyển đổi số
Thành lập năm 1973, Điện Quang là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm gần đây, doanh nghiệp này đang có những động thái để chuyển đổi số. Không chỉ sản xuất các sản phẩm thuần túy, mà Điện Quang dần trở thành một doanh nghiệp với những giải pháp công nghệ liên quan đến chiếu sáng.
Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, cho hay từ năm 2016, Điện Quang đã thay đổi chiến lược phát triển theo định hướng không chỉ cung cấp sản phẩm đơn thuần mà phải cung cấp các giải pháp chiếu sáng và thiết bị điện tổng thể cho các công trình; Ứng dụng các công nghệ tiên tiến để sáng tạo ra các giải pháp công nghệ điều khiển thông minh, phục vụ đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp này đã đầu tư nhà máy Điện Quang Công nghệ cao với các dây chuyền thiết bị hiện đại, có tính tự động hoá cao; đầu tư Trung tâm nghiên cứu phát triển với hơn 100 chuyên gia - kỹ sư trẻ; tái cấu trúc hệ thống phân phối theo hướng tăng cường sự trải nghiệm cho khách hàng thông qua các kênh tiêu thụ hiện đại như ECommerce, Online và các ShowGallery, kể cả tiếp cận trực tiếp để tư vấn cho khách hàng.
Tất cả đã biến doanh nghiệp này từ một đơn vị sản xuất thiết bị chiếu sáng thành một doanh nghiệp công nghệ. Hệ thống giải pháp công nghệ thông minh Điện Quang Smart đến nay cũng đã trải qua hai thế hệ với nhiều cải tiến và nâng cấp lớn.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang liên tục tung ra những sản phẩm make in Vietnam mang đậm tính chất “số hóa”. Ông Nguyễn Minh Quý, CEO Tập đoàn Novaon cho biết: "Đợt này chúng tôi cho ra mắt một loạt nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số ấp ủ từ 3-5 năm nay. Đơn cử như OnCustomer Live và OnCustomer Webbot - 2 ứng dụng giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý khách hàng và tăng tỷ lệ bán hàng, hay là ứng dụng ký hợp đồng điện tử Onsign".
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Minh Quý nói: "Với vai trò là đơn vị triển khai các ứng dụng chuyển đổi số cho hàng ngàn doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang nhận thức và hành động rất quyết liệt trong công cuộc chuyển đổi số. Bối cảnh Covid năm nay cũng là tác nhân góp phần thúc đẩy tiến trình này. Các doanh nghiệp đã dành ngân sách, nhân sự để xem xét và nghiên cứu áp dụng các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số.
"Điểm chung là xu thế quan tâm tới các giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng trưởng doanh thu chiếm 70%, các giải pháp nâng cao hiệu suất và tiết kiệm chi phí chiếm 30%", ông Nguyễn Minh Quý thống kê.
Một vài dẫn chứng trên cho thấy, chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp đều ý thức được rằng, chuyển đổi số sẽ là cánh cửa để họ tiến lên một nấc thang cao hơn trong quá trình hoạt động, mở ra cơ hội mới để tiếp cận khách hàng, thay cho các phương thức tiếp xúc truyền thống. Đây cũng là đòn bẩy để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh hơn trên con đường cách mạng công nghiệp 4.0.
Chờ thời bùng nổ
Những tuyên bố và hành động của Chính phủ và các cơ quan hữu quan cho thấy Việt Nam đang và sẽ đi theo con đường chuyển đổi số, từ xây dựng một Chính phủ số đến phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Bộ TT&TT, số doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ứớc tính đến tháng 6/2020 là 45.500 doanh nghiệp (tăng 11% so với năm 2018). Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (nội địa, FDI) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính gần 50 tỉ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỉ USD chiếm 95% tổng doanh thu (doanh thu cả năm 2019 đạt 107,905 tỉ USD).
Ước lượng tỷ trọng kinh tế số là 12 tỉ USD năm 2019, tăng 9 tỉ USD so với năm 2015.
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6 đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 "Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp".
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.
Trong bài tham luận tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam tổ chức cách đây ít ngày, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, lý giải, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức, vì là sự thay đổi, nên trước tiên đó là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.
Trình bày tại Diễn đàn qua video được phát trực tuyến, ông Toomas Hendrik Ilves, Tổng thống Estonia giai đoạn 2006-2016, đúc kết: Số hóa sẽ diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta đã từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng. Những Chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới chắc chắn sẽ nảy sinh cho dù có thực hiện số hóa hay không.
Theo Vietnamnet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận