Hải quan Việt Nam – Nhật Bản cùng tiến tới mô hình hải quan thông minh
Xây dựng hải quan số hiện đại, thông minh là xu thế phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới, ngành Hải quan Việt Nam và Hải quan Nhật Bản đã có buổi thảo luận nhằm tăng tốc nghiên cứu, xây dựng, triển khai mô hình này.
- Ngành Hải quan quyết tâm hoàn thành các mục tiêu lớn về ứng dụng công nghệ thông tin
- Hải quan chủ động ứng phó với các tình huống tấn công mạng
- Tổng cục Hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin
Ngày 14/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Mai Xuân Thành và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nhật Bản GHENSHIN Hideaki đồng chủ trì Hội thảo về mô hình hải quan thông minh.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa 2 điểm cầu tại Việt Nam và Nhật Bản và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của mỗi nước.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chủ trì Hội thảo tại trụ sở Tổng cục Hải quan Việt Nam. Ảnh HQ
Khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh: hai thập kỷ vừa qua, Nhật Bản đã dành cho Hải quan Việt Nam sự hỗ trợ hết sức quý báu. Sự hỗ trợ này đã giúp cho Hải quan Việt Nam lên một mức phát triển mới và bền vững, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, Hải quan Việt Nam đánh giá cao đối với Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS cùng với quá trình hỗ trợ kỹ thuật đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Hải quan Việt Nam.
“Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đã nhấn mạnh về chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Hải quan Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển 2021-2030 với mô hình hải quan thông minh, phấn đấu trở thành cơ quan dẫn đầu của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi số và trở thành cơ quan Hải quan hiện đại. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của Hải quan Nhật Bản và một số đối tác khác trong xây dựng mô hình hải quan thông minh, hiện đại”- Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu.
Theo Phó Tổng cục trưởng, việc lựa chọn tham khảo, học tập kinh nghiệm của Hải quan Nhật Bản, bởi Hải quan Nhật Bản là một trong các cơ quan Hải quan có trình độ quản lý hiện đại trong khu vực và thế giới. Hệ thống VNACCS/VCIS do Nhật Bản hỗ trợ cho Hải quan Việt Nam là một thành tựu trong quá trình cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm qua.
Hải quan Việt Nam mong muốn phát huy những kinh nghiệm quý báu của quá trình vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS để phát triển hải quan thông minh hiện đại.
Mặt khác, Hải quan Nhật Bản cũng là đối tác quan trọng, thân thiết, tin cậy và liên tục hỗ trợ Hải quan Việt Nam về mặt kỹ thuật và tăng cường năng lực trong những năm qua.
Vì vậy, Hải quan Việt Nam mong muốn học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm của Hải quan Nhật Bản trong việc xây dựng mô hình hải quan thông minh để có thể tham khảo áp dụng trong quá trình thiết kế, phát triển mô hình hải quan thông minh trong thời gian tới…
Phó Tổng cục trưởng GHENSHIN Hideaki phát biểu từ điểm cầu tại Nhật Bản. Ảnh HQ
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nhật Bản GHENSHIN Hideaki, những năm qua, để tạo thuận lợi thương mại và đáp ứng yêu cầu quản lý, Hải quan Nhật Bản đã nhiều lần nâng cấp Hệ thống thông quan tự động NACCS/CIS và hiện đã tích hợp với Hệ thống một cửa quốc gia để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong xu thế phát triển mới, năm 2020 Hải quan Nhật Bản đã xây dựng định hướng phát triển trung hạn, dài hạn thông qua “Ý trưởng tầm nhìn 2020 (ý tưởng hải quan thông minh)”, trong đó chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động hải quan.
Với điểm chung trong định hướng phát triển của hải quan hai nước là hướng tới mô hình hải quan thông minh, ông GHENSHIN Hideaki đề nghị hai bên tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội thảo, các buổi trao đổi thông tin để có được những hợp tác hiệu quả nhất.
Theo Tạp chí Điện tử.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận