Ngành Hải quan quyết tâm hoàn thành các mục tiêu lớn về ứng dụng công nghệ thông tin
Bộ Tài chính vừa phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số” (tại Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021). Đây là chủ trương lớn để góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại ngang tầm Hải quan các nước phát triển hàng đầu thế giới. Tạp chí Hải quan phỏng vấn tân Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành (ảnh) để có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề quan trọng này.
- Năm 2021: Tổng cục Hải Quan phấn đấu vượt 5% chỉ tiêu ngân sách được giao
- Tổng cục Hải quan phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 – 2025
- Tổng cục Hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin
Xin ông cho biết sự cần thiết phải thực hiện việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong thời điểm hiện nay?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê Hải quan.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã triển khai và vận hành ổn định, an ninh, an toàn hệ thống CNTT phục vụ tác nghiệp hải quan một cách toàn diện trong tất cả các lĩnh vực công tác của Ngành.
Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về hải quan, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực, là tiền đề hoàn thiện Hải quan điện tử hướng tới Hải quan số.
Tuy nhiên, hệ thống CNTT hiện nay đã không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải thay thế bằng hệ thống CNTT mới. Điều này thể hiện cụ thể ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, trong thời gian vừa qua, yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đã có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt là yêu cầu tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử đòi hỏi cơ quan Hải quan phải có cách thức quản lý mới, phù hợp với yêu cầu mới như kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp bưu chính,…
Việc thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, kinh tế thế giới vận động chuyển dần sang kinh tế số với tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh; Hải quan các nước đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, trong đó trọng tâm là: Xây dựng hải quan số và hải quan thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam ký kết ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do, trong đó đã có nhiều hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi. Các Hiệp định thương mại tự do đều có nội dung liên quan đến lĩnh vực hải quan, trong đó yêu cầu tự động hóa và ứng dụng CNTT để phục vụ việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin và công nhận lẫn nhau. Trong khi đó, hệ thống CNTT đã trở nên bất cập, không còn đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Do đó, hệ thống CNTT cần phải thay thế bằng hệ thống CNTT mới.
Thứ hai, hiện nay và các năm sắp tới, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Theo đó, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động, Chỉ thị nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Trong khi đó, hệ thống CNTT hiện nay của Tổng cục Hải quan đã được phát triển từ nhiều năm trước. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vẫn còn rất hạn chế. Trước yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống CNTT hiện nay đã trở nên bất cập, khó đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Vì vậy, việc triển khai hệ thống CNTT mới là thật sự cần thiết để hoàn thiện Hải quan điện tử, hướng tới Hải quan số.
Thứ ba, các hệ thống CNTT hiện nay được xây dựng từ nhiều năm, nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Các thiết bị được triển khai đã hết hao mòn và tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính sẵn sàng của hệ thống, chưa có hệ thống dự phòng, mức độ tích hợp chưa cao, một số lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan vẫn chưa được ứng dụng CNTT và tự động hóa một cách đầy đủ như thanh tra, kiểm tra, miễn giảm hoàn thuế...
Từ các yêu cầu trên cũng như hiện trạng nêu trên và nhu cầu quản lý nhà nước, công tác nghiệp vụ hải quan trong thời gian tới; trên cơ sở đề nghị của Tổng cục Hải quan và Cục Tin học và Thống kê tài chính, Cục Kế hoạch - Tài chính (Bộ Tài chính) lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin của Tổng cục Hải quan theo phương thức “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số”.
Ông có thể chia sẻ khái quát về mục tiêu thuê dịch vụ CNTT của ngành Hải quan?
Mục tiêu thuê dịch vụ hệ thống CNTT trong lĩnh vực hải quan là thuê dịch vụ đồng bộ phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.
Hệ thống CNTT mới phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan.
Nội dung và quy mô của việc thuê dịch vụ CNTT lần này là như thế nào, thưa ông?
Theo Quyết định 97 của Bộ Tài chính, về thuê dịch vụ các nội dung về phần mềm: thuê dịch vụ hệ thống CNTT với các chức năng phần mềm đáp ứng các yêu cầu thực hiện tất cả các nghiệp vụ hải quan (trừ công tác quản lý hành chính nội ngành và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN), bao gồm các lĩnh vực: giám sát quản lý nhà nước về hải quan; quản lý thuế xuất nhập khẩu; quản lý rủi ro; kiểm tra sau thông quan; điều tra chống buôn lậu; pháp chế; kiểm định hải quan; cải cách hải quan; thanh tra, kiểm tra và nghiệp vụ dùng chung.
Thuê dịch vụ điều chỉnh và chuyển các chức năng của hệ thống CNTT hiện tại lên hệ thống CNTT mới; thuê dịch vụ chuyển dữ liệu của hệ thống CNTT hiện tại sang cơ sở dữ liệu mới…
Về thuê dịch vụ các nội dung về phần cứng, thuê hệ thống phần cứng mới đồng bộ với phần mềm ứng dụng, đáp ứng được yêu cầu xử lý của phần mềm ứng dụng trong vòng 5 năm (tính từ thời điểm nhà cung cấp bàn giao dịch vụ vận hành chính thức).
Sau thời gian thuê, Tổng cục Hải quan được quyền tiếp tục sử dụng toàn bộ hệ thống phần cứng tối thiểu 6 tháng để thực hiện quá trình đầu tư/thuê hệ thống phần cứng mới…
Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hải quan để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, trong đó có thực hiện thuê dịch vụ CNTT nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện rất lớn và sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định 97/QĐ-BTC, Tổng cục Hải quan tổ chức các buổi làm việc để triển khai Quyết định 97. Trong đó, một số cuộc do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trực tiếp chủ trì với sự tham dự của đầy đủ lãnh đạo Tổng cục và các vụ, cục khối cơ quan Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan cũng đã thông tin công khai, rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn) và các cơ quan báo chí về chủ trương thuê dịch vụ CNTT và mời cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tham gia trình bày giải pháp.
Tổng cục Hải quan quyết tâm khẩn trương sớm thực hiện thành công chủ trương thuê dịch vụ CNTT và các mục tiêu quan trọng về ứng dụng CNTT để sớm đưa Hải quan Việt Nam đạt trình độ ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Theo Haiquanonline
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận