Hiện trạng và giải pháp nâng cao sức ảnh hưởng của Báo chí Đối ngoại
Báo chí Đối ngoại (BCĐN) Việt Nam là lực lượng chủ lực phục vụ công tác tư tưởng và nhiệm vụ thông tin đối ngoại (TTĐN), do đó, cần xây dựng, củng cố và phát triển các cơ quan BCĐN quốc gia hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
- Ảnh báo chí còn thiếu các tác phẩm chất lượng
- 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam - Niềm tự hào của chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng
- Báo chí cách mạng Việt Nam - Nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam (Bà từng giữ các chức vụ Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời là Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của Bộ Ngoại giao.
Báo chí đối ngoại trong thời gian qua đã góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho đối ngoại đa phương, làm cầu nối quan trọng đưa Việt Nam ra thế giới: thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác, giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đó có đường lối đối ngoại là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng thế giới. Báo chí đối ngoại đã quảng bá mạnh mẽ tiềm năng hợp tác, lợi thế của Việt Nam thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đa phương.
BCĐN cần luôn xác định và bám sát các trọng tâm ưu tiên của ngoại giao đa phương trong đó phải gắn với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo hòa bình, an ninh của đất nước và khu vực, đảm bảo phát triển bền vững đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết. Tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân những cơ chế, diễn đàn mà Việt Nam tham gia với các nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể phù hợp với tình hình và lợi ích của đất nước.
Trong 816 cơ quan báo chí được cấp phép, báo chí đối ngoại (BCĐN) được quy hoạch gồm 6 đơn vị: 01 báo in đối ngoại quốc gia; 01 tạp chí in đối ngoại quốc gia; 01 báo điện tử đối ngoại quốc gia; 01 kênh chương trình phát thanh đối ngoại quốc gia; 02 kênh chương trình truyền hình đối ngoại.
Những thành quả mà BCĐN đạt được
Hệ thống quy hoạch BCĐN bắt đầu được hình thành từ năm 2012, nhưng đã nhanh chóng trở thành “hệ thống loa” phát ra thế giới (với 13 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Trung, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Thái, Khmer và Indonesia), góp phần làm cho thế giới thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá về Việt Nam, từ hình ảnh một đất nước anh hùng trong chiến tranh, Việt Nam nay được biết đến là đất nước năng động trong hòa bình, với chế độ chính trị ổn định, chính sách đối ngoại cởi mở và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.
Về địa bàn và phương thức phát hành, truyền dẫn, phát sóng: đối với báo in, tổ chức phát hành đến 706 địa chỉ tại 121 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; đối với truyền dẫn, phát sóng kênh phát thanh, truyền hình qua vệ tinh, hiện phát sóng trên hạ tầng của gần 40 đối tác với khoảng 50 triệu thuê bao, tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ (vệ tinh châu Âu và Bắc Mỹ); đối với trang tin điện tử, hiện có 214 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập trang, số lượng truy cập đến từ 14.480 thành phố trên thế giới.
Tổ chức đăng, phát trên các nền tảng số, mạng xã hội (Youtube, Facebook, Twitter, Tiktok),… để tăng số lượng người xem. Hiện nay, số lượng người truy cập tăng dần theo năm, theo đó phải kể đến năm 2021, kênh VTV4, phát trên hệ thống VTVgo với hơn 2 triệu lượt xem/tháng; Vietnam Plus với 999.610.045 lượt người xem; Việt Nam News, bản e-paper với 40 triệu lượt đọc trên các kênh Social media.
Nhìn chung, cơ quan BCĐN đã ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin điện tử, sản xuất các bài chất lượng cao, theo định dạng phong phú long-form/mega story, infographics, megastory (tác phẩm báo chí bao gồm âm thanh, video, ảnh, dữ liệu thể hiện bằng công nghệ kỹ thuật số), timeline (thông tin tư liệu tổng hợp theo dòng thời gian),… kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện, cập nhật những xu hướng nổi bật của báo chí thế giới hiện nay là Visual Journalism (báo chí thị giác), Data Journalism (báo chí dữ liệu).
Diễn đàn trực tuyến “Quản lý thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số”. Ảnh: Nhandan.vn
Các vấn đề còn tồn tại
Theo Bà Nguyễn Thị Hoa Mai - Phó Cục trưởng tập sự Cục Thông tin đối ngoại, trong tham luận tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 bà nêu rõ:
Thứ nhất, thiếu chính sách đặc thù cho BCĐN. Hiện, nhà nước chưa có chính sách, đơn giá để thuê đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, dẫn chương trình nước ngoài; chưa có chính sách đặc thù để đưa kênh truyền hình Việt Nam vào hạ tầng các nước (ở các nước việc đăng, phát tin, bài, đưa kênh vào truyền hình bản địa thực hiện theo Luật Thương mại, không theo Luật Đấu thầu như ở ta).
Hai là, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật đặt hàng riêng cho BCĐN. Hiện, BCĐN vẫn áp dụng theo định mức của báo chí đặt hàng trong nước, trong khi để làm được 1 sản phẩm BCĐN đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, từ yêu cầu về phóng viên, biên tập viên (giỏi ngoại ngữ, bản lĩnh chính trị vững, có kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền đối ngoại), cho đến chất lượng nội dung, chất lượng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của công chúng đối ngoại - đối tượng có trình độ và yêu cầu cao về thụ hưởng thông tin do hơn ½ đối tượng của TTĐN đến từ các nước có trình độ phát triển. Một số định mức chưa có như sản xuất tin, bài, chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp bằng tiếng nước ngoài.
Ba là, hiện tượng chảy máu chất xám đang diễn ra ở nhiều cơ quan BCĐN. Nhiều phóng viên, biên tập viên giỏi ngoại ngữ, bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước đã chuyển sang các tổ chức nước ngoài do mức lương hấp dẫn hơn và thời gian làm việc hành chính, không phải trực ngoài giờ.
Bốn là, số lượng người đọc, xem, nghe nhìn, truy cập và xếp hạng lượng truy cập chưa cao. Chẳng hạn: Theo Noxinfluener: thứ hạng kênh VTV4 trên Youtube là 153806, kênh KBS World - Hàn Quốc ở vị trí thứ hạng 388. VOV5 ở vị trí 466540, kênh BBC tiếng Việt ở vị trí 21172.
Năm là, chưa có công cụ đo lường, đánh giá thống nhất để đánh giá hiệu quả thông tin của BCĐN. Hiện, mỗi cơ quan báo chí sử dụng 1 loại công cụ đo khác nhau.
Sáu là, chưa xây dựng kênh truyền hình đối ngoại quốc gia Bảy là, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí chưa nhanh, chưa đồng đều. Ở một vài cơ quan BCĐN, việc đổi mới về phương thức tác nghiệp chưa theo kịp với sự thay đổi của công nghệ.
Bảy là, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí chưa nhanh, chưa đồng đều. Ở một vài cơ quan BCĐN, việc đổi mới về phương thức tác nghiệp chưa theo kịp với sự thay đổi của công nghệ.
Tám là, các cơ quan báo chí thiếu công cụ, thiếu một định hướng về nội dung truyền thông quảng bá theo 1 Khung chung thống nhất để quảng bá hình ảnh quốc gia.
Một số tờ báo của Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap).
Nhìn từ Báo chí Đối ngoại của Hàn Quốc, BCĐN có sứ mệnh: Tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia. Bảo vệ quan điểm của Hàn Quốc; cải thiện mối quan hệ với người nước ngoài. Thúc đẩy tăng tính cạnh tranh quốc gia. Nhà nước đặt ra định hướng rõ ràng để phát triển BCĐN. Chẳng hạn hãng thông tấn Yonhap được định hướng phải trở thành hãng thông tấn lớn tương xứng với vị thế trong 10 cường quốc đứng đầu của thế giới.
Để thực hiện sứ mệnh của mình, báo chí Hàn Quốc luôn giữ vai trò trung tâm trong việc hình thành dư luận xã hội ở Hàn Quốc và đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá bằng cách:
Đẩy mạnh hợp tác với hãng thông tấn, báo chí nước ngoài qua hình thức hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác, hoạt động liên kết.
Cung cấp dịch vụ tin tức miễn phí trên website bằng tiếng Anh. Tổ chức cung cấp gói dịch vụ nội dung, không cung cấp nguyên kênh. Chẳng hạn: Korea Now chỉ cung cấp 2 video clip mỗi tuần để quảng bá đất nước Hàn Quốc. Sử dụng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí.
Một ví dụ về cách làm của kênh truyền hình đối ngoại quốc gia KBS World: Kênh KBS World đã sử dụng dịch vụ trí tuệ nhân tạo của Amazon (văn
bản thành giọng nói, tìm kiếm khuôn mặt,...). Triển khai nhà máy sản xuất nội dung số tích hợp hệ thống sản xuất và phân phối nội dung số trên nền tảng đám mây.
Tăng cường áp dụng các công nghệ mới như blockchain và trí tuệ nhân tạo để cải thiện phát trực tuyến video. Triển khai dịch vụ Content Delivery Network (giúp phân phối video với chất lượng phù hợp tốc độ mạng và thiết bị của người dùng (kích thước, độ phân giải màn hình và các nền tảng hệ điều hành thiết bị khác nhau như iOS, Android, HTML5 web) tạo ra nhiều nội dung mới và các dịch vụ đa dạng hơn.
Nhờ sử dụng công nghệ đã giúp KBS World tăng lợi nhuận quảng cáo từ mạng xã hội và sự tăng trưởng của số người theo dõi kênh (subscribers). Năm 2018, lợi nhuận của KBS World từ Youtube đạt 2,6 tỷ won, tăng 60% so với năm 2017 (1,6 tỷ won). Cuối tháng 12/2019, doanh số quảng cáo thu được từ Youtube của KBS World đạt 2,8 tỷ Won, tăng 8,6 % từ 2018.
Giải pháp cho báo chí đối ngoại Việt Nam BCĐN quốc gia là lực lượng chủ lực phục vụ công tác tư tưởng và nhiệm vụ TTĐN, do đó, cần xây dựng, củng cố và phát triển các cơ quan BCĐN quốc gia hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu từ các cơ quan BCĐN và qua nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Cục TTĐN xin đề xuất một số giải pháp bước đầu nhằm nâng cao sức ảnh hưởng của BCĐN góp phần xây dựng và nâng cao thứ hạng hình ảnh Việt Nam.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy BCĐN phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, trong đó, chú trọng về cơ chế chính sách đặc thù, định mức kinh tế - kỹ thuật riêng để đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ TTĐN, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm tuyên truyền ở các nước sở tại.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển BCĐN, xây dựng kênh truyền hình đối ngoại quốc gia VOV World. Đặt ra chỉ tiêu phát triển cụ thể cho BCĐN, định hướng hoạt động truyền thông quảng bá cho các cơ quan báo chí.
Xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế giữa Chính phủ với Chính phủ, trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí hai nước có thể ký biên bản ghi nhớ, liên kết để thực hiện. Trong biên bản ghi nhớ song phương, có thể thêm một vài cơ chế khác như cơ chế trao đổi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về việc này, năm 2018, 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Hàn Quốc ký hiệp định đồng sản xuất chương trình. Trên cơ sở đó, các đài truyền hình trung ương và địa phương hai nước hỗ trợ nhau và đồng sản xuất các chương trình truyền hình.
Xây dựng bộ công cụ để đo hiệu quả thông tin một cách hiệu quả, thống nhất. Đào tạo nâng cao kiến thức chuyển đổi số, ngoại ngữ, kỹ năng, nghiệp vụ TTĐN cho phóng viên, biên tập viên.
Đối với cơ quan báo chí đối ngoại
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, phát triển nội dung số theo hướng dựa trên công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (từ khâu sản xuất tin, bài, dựng, cho đến truyền dẫn, phát sóng); tổ chức phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội nhằm đảm bảo sự đầu tư có hiệu quả vừa thu được lợi nhuận từ quảng cáo, vừa đáp ứng nội dung phục vụ khán giả.
Tổ chức truyền thông quảng bá theo khung nội dung thống nhất với 22 Chỉ số cụ thể do cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn. Chủ động liên kết trong hoạt động đào tạo nhân lực, công nghệ. Tăng cường hoạt động sản xuất chung với báo chí nước ngoài, báo chí cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tổ chức phân phối nội dung trên nền tảng mảng xã hội. Sử dụng hiệu quả các mối quan hệ với các tập đoàn truyền thông, tập đoàn công nghệ trên thế giới để phân phối sản phẩm báo chí đặc sắc lên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới. Tạo diễn đàn tương tác với cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam, gắn kết với các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách của Việt Nam.
Báo chí đối ngoại - luôn tiên phong và là lực lượng "then chốt" của công tác thông tin đối ngoại
Trong Quyết định Phê duyệt Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Điều 1 đã xác định quan điểm quy hoạch: “Báo chí đối ngoại là một trong những lực lượng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, là một bộ phận trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị; tập trung xây dựng, phát triển lực lượng báo chí đối ngoại chuyên trách làm nòng cốt, phù hợp với sự phát triển của hệ thống báo chí nói chung”.
Điều đó khẳng định, Chính phủ rất coi trọng vai trò của báo chí đối ngoại trong công tác thông tin đối ngoại. Một trong những nhiệm vụ của báo chí đối ngoại là giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác.
Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập tại Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong công tác thông tin đối ngoại của đất nước, báo chí đối ngoại có vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, lực lượng báo chí đối ngoại cần được quan tâm, đầu tư phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam sẽ tiếp tục được giới thiệu và quảng bá tới bạn bè Quốc tế, con người bình dị, chất phác, bạn bè thủy chung cùng hướng tới phát triển là "then chốt" trong công tác xây dựng Báo chí Đối ngoại. Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tôn trọng đa văn hóa và môi trường chung để cùng kiến tạo hành tinh xanh và bền vững.
Theo tap chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận